Lương không đủ sống, công nhân "bào mòn" sức khỏe tăng ca

Đầu tư - Ngày đăng : 21:15, 27/02/2019

(BKTO) - Thường xuyên làm thêm giờ, mức lương thấp ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, cuộc sống của người lao động, cũng như gây ra những chi phí gián tiếp cho DN như tai nạn lao động, năng suất thấp...


Thực trạng này được chỉ ra trong Báo cáo nghiên cứu "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy- Nghiên cứu một số DN may xuất khẩu ở Việt Nam" được Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với tổ chức Oxfarm Việt Nam công bố tại Tọa đàm "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" ngày 26/2, tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, nghiên cứu kinh tế; các chuyên gia đến từ các tổ chức phát triển quốc tế, đại diện công đoàn, DN...
                
   

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa -Phó Giám đốc quốc gia, Oxfarm tại Việt Nam nhấn nêu bật những khó khăn công nhân gặp phải do mức lương không đủ sống

   
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, có đến 99% công nhân được khảo sát có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống (không kể làm thêm giờ). Do đó, muốn đủ sống, hầu hết công nhân ở các khu công nghiệp phải nhận làm thêm giờ. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trông thấy: 69% công nhân cho biết họ không đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 37% cho biết luôn trong tình trạng vay nợ; 68% cho biết hiếm khi có thời gian rảnh để đi thăm bạn bè, người thân...

Tình trạng lương thấp, không đủ sống buộc công nhân phải chạy tiến độ để tăng sản lượng, thường xuyên tăng ca gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân. Cụ thể: 65% công nhân được hỏi cho biết thường xuyên làm thêm giờ, 28% lo lắng về việc phải làm quá nhiều; 53% không đủ tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh...

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu tham dự cũng cho rằng, kết quả trên cũng là thực trạng chung mà công nhân lao động đang phải trải qua. Trong đó, lao động trong ngành dệt may là tương đối điển hình.

Theo bà Nguyễn Thị Lê Hoa- Phó Giám đốc quốc gia Oxfarm tại Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất cả nước với khoảng 6.000DN và lực lượng lao động hơn 2,5 triệu người, phần lớn là phụ nữ. Tuy nhiên, các DN may trong nước vẫn thuần gia công, mức chi trả cho công nhân rất thấp.
                
   

Công nhân phải thường xuyên làm thêm để có thêm thu nhập

   
Nghiên cứu cũng cho thấy, trong câu chuyện lương không đủ sống của công nhân, DN vừa đóng vai trò là tác nhân, nhưng đồng thời cũng trở thành nạn nhân của tình trạng lương cho công nhân không đủ sống. “DN thường xuyên phải đối mặt với tình trạng biến động lao động, do người lao động có xu hướng tìm việc khác có mức thu nhập tốt hơn. Chưa kể, tiền lương thấp ảnh hưởng tới tâm trạng của người lao động, tâm lý ức chế dẫn đến năng suất lao động và chất lượng công việc giảm” - Báo cáo nghiên cứu nêu.

Do đó, để cải thiện tình trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất DN và các bên liên quan cần đảm bảo quyền cơ bản của người lao động trong chuỗi cung ứng; cam kết có trách nhiệm về trả lương đủ sống; thực hiện giám sát tiền lương đủ sống trong chuỗi cung ứng.
                
   

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu đề xuất cải thiện mức lương của công nhân

   
Ông Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, thông qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức đủ sống; thực hiện tính tiền lương tối thiểu theo cách minh bạch hơn; tạo môi trường thuận lợi để trao quyền cho tổ chức công đoàn và thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương và điều kiện làm việc...
         
Nghiên cứu do Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với tổ chức OxfarmViệt Nam thực hiện tại 04 tỉnh, thành phố. Đối tượng được hỏi gồm: Công nhân, cán bộ công đoàn và đại diện lãnh đạo tại 06 DN; đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia; chuyên gia về tiền lương. Nội dung hỏi xoay quanh vấn đề tiền lương của công nhân cùng những khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC