Hỗ trợ đa chiều, giảm nghèo bền vững

Địa phương - Ngày đăng : 11:05, 17/04/2025

(BKTO) - Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ trương trên, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo toàn diện, hiệu quả, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên và nỗ lực từng bước ổn định cuộc sống.
nb.jpg
Ninh Bình ưu tiên tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TS

Nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, trong đó đặc biệt ưu tiên tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu tổng quát chung về giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2025 là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác để ban hành các chính sách đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Trong đó, điển hình là Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025. Thực hiện Nghị quyết này, đến hết năm 2024, đã có 921 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng. Hay như, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ nhóm hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, nhóm hộ nghèo có khó khăn về nhà ở…

Cùng với đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2021 đến nay, đã có trên 43 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách...

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng xã hội, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, nếu như năm 2022, Ninh Bình còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%, thì đến hết năm 2024, tỉnh còn 4.806 hộ nghèo, chiếm 1,51%; 6.006 hộ cận nghèo, chiếm 1,89%.

Theo đánh giá của các sở, ngành chức năng tỉnh, những chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành thời gian qua thực sự đã đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá cao bởi tính kịp thời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là động lực để người nghèo yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

nb-1.jpg
Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tích cực hỗ trợ cây, con giống hướng dẫn hộ nghèo phát triển kinh tế. Ảnh: TS

Đồng bộ giải pháp để giảm nghèo bền vững

Theo đánh giá của Lãnh đạo địa phương, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm hộ “nghèo bền vững” (hộ nghèo già cả, cô đơn, ốm đau, bệnh nặng…), do vậy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chủ yếu là nhóm chính sách hỗ trợ “con cá” mang tính chất cho không, bảo trợ suốt đời. Đây là thách thức không nhỏ của tỉnh trong việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Ninh Bình phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%. Để đạt mục tiêu này và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp.

Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác giảm nghèo.

Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo…

Đặc biệt, Lãnh đạo địa phương cũng nhận định, giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của không chỉ cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương mà còn cần sự phối hợp tích cực từ phía nhân dân, nhất là hộ nghèo. Thực tế cho thấy, người nghèo là những người hạn chế về trình độ học vấn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh và họ rất khó tiếp cận, nắm bắt các cơ hội trong điều kiện kinh tế thị trường để có thể tự mình vươn lên thoát nghèo. Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo là gốc rễ để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững đối với nhóm hộ còn sức khỏe và khả năng lao động.

Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho người nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo, coi đây là một giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh, bền vững./.

DIỆU THIỆN