Ninh Bình công bố quy hoạch mới

Địa phương - Ngày đăng : 10:58, 27/04/2025

(BKTO) - Ngày 26/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, với tham vọng đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa cấp vùng. Tỉnh đã xác định rõ các động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.

Mở rộng không gian phát triển

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính các xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn, phường Tân Bình và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, xã Phúc Sơn và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan, xã Khánh Thượng thuộc huyện Yên Mô.

anh-man-hinh-2025-04-29-luc-16.10.30.png
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26/3/2025

Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha. Tính chất đô thị được xác định là Đô thị di sản thiên niên kỷ; Trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế; Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình. Dự báo dân số đô thị Ninh Bình đến năm 2040 khoảng 540.000 - 560.000 người (trong đó: Dân số thường trú 430.000 - 440.000 người, dân số quy đổi khoảng 110.000 - 120.000 người).

Cấu trúc phát triển của đô thị theo mô hình đô thị di sản với cấu trúc gắn kết giữa di sản và đô thị, nông thôn gồm: 1 trung tâm; 2 vùng, 5 khu vực.

Tại Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 đã định hướng phát triển không gian tổng thể, không gian theo khu vực. Theo đó, phát triển không gian tổng thể đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An, di tích Cố đô Hoa Lư theo mô hình đô thị di sản. Phát triển đô thị tập trung phía đông, gắn với trục phát triển Bắc Nam, tạo vành đai đô thị, dịch vụ xung quanh vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư. Phát triển không gian đô thị xanh gắn với hệ sinh thái tự nhiên.

Không gian theo khu vực được phân thành 5 khu với chức năng, tính chất riêng biệt cho mỗi khu để tạo không gian phát triển hài hòa, bền vững bao gồm: Khu đô thị trung tâm, Khu vực vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư; Khu vực sinh thái đô thị; Khu vực Bái Đính; Khu vực Bến Đang.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình cũng đã định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, bao gồm: Quy hoạch hệ thống Công nghiệp và Cụm công nghiệp; Dịch vụ thương mại, Dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư, nghiệp, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục-đào tạo và văn hóa, thể dục thể thao; Phát triển đô thị theo mô hình đô thị kết hợp đầu mối giao thông công cộng khối lượng lớn.

Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng xác định: Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và xây dựng đô thị dịch vụ du lịch quốc tế. Lựa chọn giải pháp thiết kế hạ tầng đô thị phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực, khuyến khích sử dụng vật liệu, năng lượng tái tạo, hạn chế cứng hóa bề mặt đô thị để tăng cường khả năng thấm nước tự nhiên.

Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha, tập trung vào thu hút đầu tư sản xuất phát triển các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, điện tử, may mặc và vật liệu mới. Các khu, cụm công nghiệp này đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó nổi bật là dự án sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina; Sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam; Sản xuất dụng cụ cao cấp của Công ty TNHH công nghiệp CIBON Việt Nam; Sản xuất lắp ráp ô tô Hyundai của Tập đoàn Thành Công...

anh-man-hinh-2025-04-29-luc-16.10.14.png
Nhà máy sản xuất tơ sợi Lam Giang - Cụm công nghiệp Ninh Phong (Hoa Lư)

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh Ninh Bình đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và hiệu quả. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, giảm thuế, vay vốn ưu đãi, đào tạo nhân lực kỹ thuật, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những kết quả tích cực trong quý I/2025, phản ánh tầm nhìn dài hạn của tỉnh Ninh Bình: Phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải là “lối đi phụ”, mà chính là “trục xương sống” để nâng cấp toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Với mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn đa quốc gia, tỉnh Ninh Bình đang hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các chương trình tư vấn, đào tạo quản trị và hỗ trợ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp trọng điểm với định hướng thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, điện tử và công nghệ cao, trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử quan trọng của miền Bắc. Các khu công nghiệp trọng điểm như Gián Khẩu, Khánh Phú, Phúc Sơn... đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây là nền tảng quan trọng để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, tối ưu chi phí logistics và tăng cường khả năng tự chủ sản xuất trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều rủi ro. Tỉnh còn chủ động quy hoạch các cụm công nghiệp vệ tinh tại Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và tạo dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, xanh và bền vững.

Ngoài ra, Ninh Bình đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn và dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp đầu tư trong nước và quốc tế.

Với chiến lược rõ ràng từ việc công bố quy hoạch chung đô thị đến năm 2040, cùng quyết tâm cao trong phát triển công nghiệp hỗ trợ đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, giúp Ninh Bình từng bước khẳng định vị thế mới - một trung tâm công nghiệp hỗ trợ hàng đầu khu vực, góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế quốc gia./.

M.Q