Chủ động, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ bộ phận KTNN chuyên ngành VI vững mạnh toàn diện
Kiểm toán - Ngày đăng : 11:46, 03/05/2025

Đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo
Đảng bộ bộ phận KTNN chuyên ngành VI (sau đây viết tắt là Đảng bộ chuyên ngành VI) có 6 chi bộ trực thuộc, tương ứng với 06 phòng nghiệp vụ, với 74 đảng viên trên tổng số 84 công chức và người lao động (chiếm tỷ lệ 88,1%), trong đó: 72 đảng viên chính thức và 02 đảng viên dự bị.
Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, chất lượng và hội nhập”, sự đoàn kết, thống nhất cao trong tư tưởng cũng như mọi hoạt động, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy chuyên ngành VI đã phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo đơn vị, Công đoàn, Đoàn thanh niên và toàn thể công chức, đảng viên và người lao động nỗ lực hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao, được Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN ghi nhận, khen thưởng.
Cụ thể, Đảng ủy chuyên ngành VI luôn bám sát, thực hiện nghiêm túc việc học tập và tổ chức quán triệt, tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy KTNN, các quy chế, quy định của Ngành; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả sinh hoạt chi bộ gắn việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ; đảng viên, quần chúng thường xuyên học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Các cấp ủy trong Đảng bộ chuyên ngành VI đã chủ động làm tốt công tác nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của đảng viên, quần chúng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, Đảng ủy đã tổ chức quán triệt và phát động đảng viên, quần chúng của đơn vị tích cực tham gia các cuộc thi do Đảng cấp trên tổ chức... Kết quả, Đảng ủy chuyên ngành VI có 01 tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng đạt giải Khuyến khích.
Trong nhiệm kỳ, 100% đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ chuyên ngành VI đã hoàn thành việc xây dựng và thực hiện nghiêm Kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Ngành; thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong việc sử dụng tài sản, thiết bị, văn phòng phẩm và trong quá trình đi kiểm toán; không gây ảnh hưởng cho đơn vị được kiểm toán; chấp hành tốt các quy định của Đoàn kiểm toán và Quy chế làm việc của KTNN và KTNN chuyên ngành VI.
Hoạt động của Đảng ủy chuyên ngành VI được duy trì nền nếp, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; tất cả vấn đề phát sinh đều được thảo luận, góp ý nhằm đi đến thống nhất về ý chí và hành động. Hàng năm, trên cơ sở Chương trình kiểm tra giám sát của Đảng ủy cấp trên, Đảng ủy chuyên ngành VI xây dựng Chương trình, Kế hoạch kiểm tra, giám sát của đơn vị, trong đó xác định nội dung kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình, đặc điểm của Đảng bộ để tổ chức thực hiện; đồng thời hướng dẫn các chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Đảng ủy chuyên ngành VI đã thành lập 18 Đoàn để thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với các chi bộ cố định, chi bộ sinh hoạt tạm thời theo Đoàn kiểm toán, kết hợp với kiểm tra, giám sát đảng viên, đặc biệt là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các chi bộ.
Với yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ mới, Đảng ủy chuyên ngành VI luôn quan tâm, thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện Quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp của cấp ủy và Lãnh đạo đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng ủy viên; xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ một cách chặt chẽ, cụ thể và định kỳ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, chuyển đổi phương pháp làm việc từ truyền thống sang phương pháp làm việc hiện đại.
Dẫn đầu trong thực hiện các nhiệm vụ mới, khó
Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp, Nghị quyết để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ chuyên ngành VI tăng cường kiểm toán chuyên đề có nội dung mới, khó, được xã hội và nhân dân quan tâm, báo cáo kiểm toán có nhiều kiến nghị quan trọng với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương như: Chuyên đề công tác quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023; Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - năng lượng Quốc gia Việt Nam) trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam...
Giai đoạn 2020-2025, Đảng ủy chuyên ngành VI đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức thực hiện 46 cuộc kiểm toán, phát hành 49 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị hơn 8.645 tỷ đồng; đưa ra 159 kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 24 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Hằng năm, Đảng ủy và Lãnh đạo đơn vị phối hợp tổ chức sinh hoạt chính trị tập trung toàn đơn vị để quán triệt nội dung, trọng tâm kiểm toán đến từng kiểm toán viên, công chức, người lao động; bàn biện pháp thực hiện. Đồng thời, yêu cầu toàn thể đảng viên, công chức, kiểm toán viên bám sát các nội dung này để tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; tối đa áp dụng công nghệ thông tin, dữ liệu điện tử và các dữ liệu đã được tích lũy hàng năm trong công tác khảo sát, hạn chế số người, số lần thực hiện khảo sát, thu thập thông tin tại đơn vị được kiểm toán.
Trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán, Đảng ủy đã lãnh đạo sát sao việc kiểm tra, giám sát của các bộ phận quản lý, duy trì tốt việc gửi văn bản đến các đơn vị được kiểm toán để lấy ý kiến đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của các Tổ, Đoàn kiểm toán, từ đó nắm bắt tình hình tuân thủ pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.
Bên cạnh đó, Đảng ủy đã lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI xây dựng, ban hành các kế hoạch hàng năm về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; chủ động phân công và tổ chức rà soát các kiến nghị tồn đọng để kịp thời đôn đốc các đơn vị được kiểm toán tiếp tục thực hiện. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị trung bình giai đoạn 2020-2024 đạt 97,87%.
Đảng bộ chuyên ngành VI luôn quan tâm đến công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, động viên, tạo điều kiện cho công chức đăng ký tham gia các khóa học do KTNN tổ chức và tự đào tạo trong nội bộ đơn vị; thực hiện các để tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức và phục vụ nâng cao chất lượng kiểm toán; tham gia viết và trình bày tham luận tại các tọa đàm, hội thảo của Ngành.
Giai đoạn 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả hệ thống chính trị đang thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, với yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước để giúp đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Trên cơ sở những kết quả, thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát Chiến lược phát triển của KTNN đến năm 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy, Tổng KTNN, Đảng ủy chuyên ngành VI xác định phương hướng nhiệm kỳ 2025-2030 là “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ bộ phận KTNN chuyên ngành VI, nhiệm kỳ 2025-2030 kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới và hội nhập”.
Đảng ủy chuyên ngành VI phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo đơn vị, Công đoàn, Đoàn thanh niên, nêu cao tình thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ chuyên ngành VI và đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, công chức và người lao động cả về phẩm chất, uy tín và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.