Ninh Bình: Chương trình OCOP “đánh thức” nhiều đặc sản của đất Cố đô
Địa phương - Ngày đăng : 09:11, 06/05/2025
Sứ giả góp phần quảng bá văn hoá địa phương
Trước đây, nhiều đặc sản của các địa phương trong tỉnh Ninh Bình không tiếp cận được đến đông đảo du khách. Từ khi chương trình OCOP được triển khai tại tỉnh Ninh Bình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Hầu hết các địa phương phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, chú trọng sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đặc hữu của tỉnh theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh, bền vững. Toàn tỉnh Ninh Bình hiệncó 209 sản phẩm OCOP, trong đó có 69 sản phẩm hạng 4 sao. Các sản phẩm có thế mạnh thuộc các nhóm hàng: thực phẩm, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn.

Nhiều đặc sản của Ninh Bình địa phương đã được “đánh thức” nhờ chương trình OCOP. Có thể kể đến đặc sản Giò trứng Nộn Khê - với sự kết hợp khéo léo, đầy sáng tạo giữa thịt, trứng tạo nên những miếng giò mềm, mịn, đẹp mắt, mang vị béo của thịt, vị bùi của trứng và mùi thơm của lá chuối hòa quyện - đã được góp mặt ở những bữa ăn trong khách sạn 4-5 sao, được giới thiệu rộng rãi qua các cuộc thi ẩm thực, các lễ hội, sự kiện quốc gia, quốc tế...
Hoặc như sản phẩm muối ngâm chân, trà An Thái, tranh lá Bồ Đề của Hợp tác xã Sinh Dược (huyện Gia Viễn) đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Ông Vũ Trung Đức - Giám đốc Hợp tác xã là người con của quê hương Ninh Bình, đã tốt nghiệp ngành Hóa - dược, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính nên ông Vũ Trung Đức đã quay về quê hương, mang kiến thức của mình kết hợp với các tri thức dược liệu bản địa, thành lập HTX Sinh Dược để sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ hoàn toàn từ thiên nhiên. Hiện nay, Hợp tác xã Sinh Dược xác định sứ mệnh bảo tồn, phát triển các tri thức thảo dược, tác động để tạo thói quen tiêu dùng xanh, bền vững, góp phần giữ vững các giá trị làng nghề truyền thống của địa phương.

Ngoài ra, Ninh Bình còn rất nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng khác, như ren thêu làng Văn Lâm, gốm cổ Bồ Bát, cơm cháy, mật ong Cúc Phương, trà sen Cố đô... Với chương trình OCOP, các sản phẩm này được gia tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Điều này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà mỗi sản phẩm như một sứ giả góp phần quảng bá văn hóa vùng miền và chứa đựng, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Xây dựng câu chuyện sản phẩm để tạo sức hấp dẫn và đặc trưng riêng
Ngay từ khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình đã xác định phải phát triển các sản phẩm là đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người Ninh Bình. Các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của tỉnh qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất không chỉ được hướng dẫn về quản trị sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, bán hàng thương mại điện tử, mà còn có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ của tỉnh trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, đồng thời góp phần kết nối và chia sẻ những câu chuyện sinh động về nông nghiệp, nông thôn, những hình ảnh về vùng đất, con người Ninh Bình cùng những giá trị văn hóa truyền thống đến với người tiêu dùng cũng như du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình còn tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản đặc sản, đặc trưng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh. Tỉnh cũng hướng tới phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của tỉnh. Ở đó phải tập hợp được đa dạng, đầy đủ các sản phẩm OCOP, có hạ tầng thiết yếu từ bãi đỗ xe, đến khu vệ sinh công cộng... Đặc biệt, phải quản lý, kiểm soát và có cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với khách hàng.

Bên cạnh đó, để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, những năm qua, tỉnh Ninh Bình cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, từ đó kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương, mở ra cơ hội để nông sản Ninh Bình vươn ra thị trường thế giới, như: tổ chức hội chợ công thương, kết nối giao thương các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Năm 2025, Ninh Bình phấn đấu phát triển thêm 20 - 30 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, đồng thời tập trung hoàn thiện, xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương, tạo sức hấp dẫn và đặc trưng riêng có. Những sản phẩm gắn liền với bản sắc địa phương không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa, tạo dấu ấn bản sắc văn hóa cố đô Hoa Lư Ninh Bình trong lòng du khách trong và ngoài nước, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế bền vững./.