Nhập khẩu than tăng đột biến và bài toán cạnh tranh

Đầu tư - Ngày đăng : 18:00, 27/10/2016

(BKTO) - Dư luận những ngày qua bày tỏ băn khoăn, chỉ trong 9 tháng năm 2016,Việt Nam đã nhập khẩu tới 9,7 triệu tấn than, cao gấp hơn 3 lần so với số lượngđược nhập khẩu năm 2016 (theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Namđến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030) đẩy than trong nước tồn kho tới12 triệu tấn. Những lý giải xoay quanh vấn đề này đã được đại diện lãnh đạo BộCông Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) mới đây chia sẻ.


Vì sao nhập khẩu than số lượng lớn?

Ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) - thừa nhận, 9 tháng qua, nhập khẩu than của Việt Nam tăng cao hơn so với dự báo khi xây dựng Quy hoạch phát triển ngành than tới 3 lần. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề này, cần phải nhìn nhận trên các khía cạnh: trong Quy hoạch chỉ đề cập đến số lượng than nhập khẩu cung cấp cho điện là 3 triệu tấn - đây là trách nhiệm của ngành than mà TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, Bộ Công Thương chưa cân đối than cho các dự án điện BOT và các dự án điện đã nhập khẩu than từ trước, ví dụ Nhà máy điện Formosa Đồng Nai thường phải nhập khẩu 2 triệu tấn than/năm; đồng thời, Bộ cũng chưa phản ánh lượng than cho các hộ tiêu thụ khác (xi măng, hóa chất, luyện kim…) mà dự kiến từ 2016-2020 nhu cầu của các hộ này cũng tương đương như điện. Như vậy, nếu tính toàn bộ nhu cầu thì phải lên tới trên 8 triệu tấn/năm. Trong 9,7 triệu tấn than nhập khẩu 9 tháng qua, bao gồm cả than cho điện và than cho các hộ tiêu thụ khác, cho nên không phải nhập khẩu than cho điện tăng gấp hơn 3 lần.

Đề cập đến nguyên nhân nhập khẩu than tăng nhanh thời gian qua, ông Thọ cho rằng, do nguồn than khai thác trong nước phù hợp với nhu cầu sử dụng không đáp ứng đủ; giá than nhập khẩu thấp hơn giá than trong nước mà nguyên nhân bên ngoài là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và nguyên nhân bên trong là do yếu tố kỹ thuật, điều kiện khai thác của ngành than ngày càng khó khăn; trong khi sức cạnh tranh của ngành than trong nước giảm thì từ ngày 01/7, thuế Tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác đều được điều chỉnh tăng càng làm giảm khả năng cạnh tranh.

Từ 01/7, việc điều chỉnh thuế tăng càng khiến các DN than Việt Nam gặp khó trong khả năng cạnh tranh với than ngoạiẢnh: TS

Đồng tình với các ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc TKV - cho biết, 9 tháng qua, TKV cũng đã nhập khẩu 1 triệu tấn than, chủ yếu là than có chất bốc cao, lưu huỳnh thấp để pha trộn với than đang tồn kho của khu vực miền Tây, than Vàng Danh nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng. Trong điều kiện giá than thế giới thấp, việc nhập khẩu về pha trộn cũng tạo điều kiện cho TKV tăng chiết khấu, giảm giá cho khách hàng.

Ngành than với bài toán cạnh tranh

Việt Nam vừa là nước xuất khẩu than, vừa là nước nhập khẩu than và quan điểm điều hành là Việt Nam chỉ xuất khẩu than chưa sử dụng hết hoặc những mặt hàng chưa có nhu cầu sử dụng. Nhưng hiện nay, giá thành sản xuất than trong nước cao hơn giá nhập khẩu khiến xuất khẩu than “bí” đầu ra. Năm 2016, Thủ tướng cho phép TKV xuất khẩu 2 triệu tấn than chất lượng cao, nhưng đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn này mới xuất khẩu được hơn 400 nghìn tấn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Biên, xuất khẩu than đã từng giúp TKV mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, góp phần tăng trưởng của Tập đoàn. Từ năm 1995 đến nay, sản lượng của TKV đã tăng gấp 7 lần, năng suất tăng gấp 4 lần, vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng đã lên tới 33.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 300 - 400 tỷ đồng/năm nay lên tới 13.000 - 16.000 tỷ đồng/năm. Có những năm, xuất khẩu than giúp cho TKV bù đắp giá than trong nước bán thấp hơn giá thành vào các hộ điện, xi măng, phân bón… khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm.

Hiện sức cạnh tranh của ngành than trong nước giảm mạnh do các mỏ ngày càng khai thác sâu, một số mỏ đã khai thác tới độ sâu âm 300 m so với mặt nước biển; đối với khai thác lộ thiên, hệ số bóc đất đá tăng gấp 3 lần so với năm làm tăng chi phí sản xuất; cung lộ vận tải đất đá cũng tăng lên 4 lần so với năm 1995. Hơn nữa, từ 01/7, thuế Tài nguyên đã được điều chỉnh tăng trung bình 3%, than hầm lò tăng từ 7% lên 10%; than lộ thiên tăng từ 9% lên 11%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (bản chất là thuế tài nguyên) cũng tăng, đối với khai thác than hầm lò là 2%, khai thác lộ thiên là 14, với các nước trong khu vực thì thuế mà Việt Nam đang áp dụng cao hơn khoảng 7-10%.

Như vậy, cùng với việc than nhập khẩu tăng cao thì sức cạnh tranh của ngành than giảm đang khiến cho DN ngành than gặp khó. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, trong lúc thị trường khó khăn, nhiều nước thường cắt giảm sản lượng, điều chỉnh thuế để tăng khả năng cạnh tranh. Việt Nam cũng cắt giảm sản lượng nhưng lại điều chỉnh thuế tăng khiến DN than trong nước gặp khó khăn. Điểm cần chú ý nữa là đối với ngành khoáng sản, khi điều kiện khai thác khó khăn, thị trường khó khăn, người ta thường tập trung khai thác ở những khu vực thuận lợi hơn nhằm hạ giá thành phù hợp với thị trường để bán được. Một lợi thế nữa là trình độ cơ giới hóa, quản lý khai thác của nhiều DN trên thế giới tốt hơn Việt Nam…

Giải pháp hiện nay được TKV đưa ra là tập trung nâng cao năng suất lao động khai thác hầm lò tăng từ 1.200 tấn/người/năm lên 1.500 tấn/người/năm. TKV cũng đã có những giải pháp tập trung giảm chi phí ở những khâu quản lý chung và quản lý trung gian, chứ không chỉ giảm chi phí ở khâu trực tiếp sản xuất…

HỒNG THOAN