Khơi dậy ý chí, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo
Địa phương - Ngày đăng : 09:07, 27/04/2025

Trước mắt, huyện sẽ tập trung triển khai các Dự án 2 và Tiểu Dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời huyện sẽ thống nhất phân bổ vốn sự nghiệp nguồn Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025.
Đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc huyện cơ bản thống nhất với kế hoạch và quyết định phân bổ vốn của UBND huyện đã đề ra. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo theo quy định, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị, các ngành chức năng huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo bền vững; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái".
Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. Các ngành chức năng, các xã , thị trấn rà soát các đối tượng, tránh trùng lắp các đối tượng được hưởng lợi.
Sự vào cuộc khẩn trương của các huyện đã góp phần triển khai chương trình giảm nghèo một cách thiết thực, kịp thời để người dân sớm được thụ hưởng lợi ích.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021-2024, thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương giao hơn 300 tỷ đồng; tỉnh đã phân bổ 100% cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. Ngoài vốn ngân sách, các hộ gia đình tham gia dự án đã huy động hơn 125 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã triển khai được 606 mô hình, dự án, gồm: 22 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên theo chuỗi giá trị, 584 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.
Trong đó, các loại hình dự án chủ yếu tập trung vào chăn nuôi với 583 mô hình, như: trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, nuôi cá lồng; 21 dự án trồng trọt chủ yếu là cây dược liệu, cây ăn quả; 2 dự án lâm nghiệp.
Từ việc thực hiện các mô hình của dự án, Thanh Hóa có gần 19.000 hộ gia đình được hưởng lợi, với 6.307 hộ nghèo, 344 hộ người khuyết tật, 5.895 hộ cận nghèo, 5.213 hộ mới thoát nghèo và 1.272 hộ dân khác.
Bằng việc lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 ở Thanh Hóa còn 2,02%; hộ cận nghèo còn 4,5%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 8,32%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 12,29%.
Khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước được thu hẹp; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn./.