Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp: Để chính sách được thực thi hiệu quả
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:25, 19/05/2016
(BKTO) - Quyết định giảmlãi suất cho vay của nhiều ngân hàng từ hơn nửa tháng qua đã nhận được sự đồngthuận của nhiều DN. Thế nhưng, trong khi DN phấn khởi với hy vọng có thêm cơhội vay vốn thuận lợi thì ngân hàng vẫn trăn trở tìm giải pháp để thực thi hiệuquả thông điệp đã được phát đi.
Ngân hàng BIDV đi đầu trong động thái giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.Ảnh: TK
Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN
Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, hàng chục ngân hàng phát đi thông điệp giảm lãi suất cho vay từ 0,3 - 0,5%/năm để hỗ trợ DN. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay hiện dao động từ 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5 - 6%/năm.
Tiên phong trong việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (Vietinbank). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vietinbank tuyên bố giảm lãi suất trung và dài hạn ở mức dưới 10%/năm kể từ ngày có quyết định. Ngoài ra, đối với những dự án tốt và những DN có khả năng kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét để giảm mặt bằng lãi suất thêm khoảng 1% so với mức lãi suất hiện tại. Sau Vietinbank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5%/năm và lãi suất trung dài hạn tối đa không quá 10%/năm kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Cùng với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đã công bố mức lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay. Đơn cử, từ nay đến ngày 31/12/2016, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ dành cho các DN vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm trong 3 tháng đầu đối với các khoản vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam (VND) và từ 3,5%/năm trong 12 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn bằng USD; đồng thời giảm lãi suất tối đa 1%/năm so với biểu lãi suất thông thường tại ngân hàng này đối với các khoản vay trung hạn bằng VND. Hay, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng đã “tung” gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm dành cho các DN xuất, nhập khẩu có nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng.
Động thái hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN trong những ngày qua nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đây cũng là điều mà cộng đồng DN mong chờ bởi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc vay vốn với giá ưu đãi sẽ giúp DN có thêm điều kiện để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Tìm giải pháp để thực thi chính sách
Chính sách giảm lãi suất cho vay theo cam kết là ưu tiên hàng đầu trong điều hành của NHNN. Quyết tâm giảm lãi suất cho vay đã rõ song điều quan trọng đối với NHNN và các ngân hàng thương mại lúc này làm sao để thực thi hiệu quả thông điệp đưa ra.
Theo Tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 0,3% trong năm nay cộng thêm việc giảm lãi suất cho vay sẽ làm thu hẹp lợi nhuận của các ngân hàng thương mại nhưng nếu các ngân hàng không cho vay thì sẽ tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của chính ngân hàng. Bởi vậy, để có thể giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng buộc phải tìm giải pháp cân đối vốn, tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo ngân hàng nhỏ sẽ khó tránh khỏi những áp lực trước việc thực hiện giảm lãi suất cho vay khi mà nợ xấu chưa được xử lý triệt để, yêu cầu về trích lập dự phòng và tuân thủ các quy định mới của NHNN ngày càng cao. Trong bối cảnh ấy, điều mà các ngân hàng mong chờ là NHNN có thể đưa ra những quyết định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giảm lãi suất như: hoãn áp dụng quy định mới, giảm thêm lãi suất điều hành…
Một yếu tố khác được các chuyên gia nhận định gây khó khăn đối với chính sách giảm lãi suất cho vay trong năm 2016 chính là việc các ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu Chính phủ (TPCP). Minh chứng là những năm gần đây, 85% lượng TPCP phát hành đều nằm trong tay ngân hàng. Chưa kể, 4 tháng đầu năm 2016, trong số 102 nghìn tỷ đồng TPCP được phát hành, các ngân hàng đã nắm giữ đến 97 nghìn tỷ đồng. Đây là kênh đầu tư an toàn đối với các ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu chưa được xử lý triệt để. Song, điều này dễ dẫn đến thực trạng thay vì dùng vốn cho DN vay ngân hàng lại mua TPCP. Từ đây, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực khuyến nghị chính sách tiền tệ và tài khóa cần có sự phối hợp tốt hơn trong điều hành để đảm bảo phát hành TPCP không quá nhiều và không tạo áp lực tăng lãi suất cũng như nhu cầu về nguồn vốn trung, dài hạn.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng BIDV còn đề xuất NHNN có thể xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ lệ dự trữ thanh khoản cho các ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ tăng thêm lượng vốn để cung ứng ra thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN và giúp ngân hàng thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ.
NGỌC MAI