Tình hình kinh tế-xã hội diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực

Đối nội - Ngày đăng : 06:45, 02/03/2019

(BKTO) - Ngày 01/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019.


                
   

Quang cảnh phiên họp- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình kinh tế- xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 và việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; thời gian phê duyệt quyết định đầu tư đối với các dự án bố trí vốn từ nguồn vốn dự phòng 10% của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phương án phân bổ nguồn dự phòng chung vốn ngân sách trung ương còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn của các dự án quan trọng quốc gia; giao bổ sung có mục tiêu cho các địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2018; nhập khẩu vật tư y tế theo giá ưu đãi; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; việc sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo thủ tục rút gọn và một số nội dung quan trọng khác.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2/2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 13,7%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%.

Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp, do một trong những nguyên nhân chính là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài tới 09 ngày. Tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng 25,4% so với cùng kỳ. Có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ.

Những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 là rất phấn khởi, nhưng nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những đánh giá cụ thể về việc tổ chức 2 sự kiện nổi bật nhất trong tháng 2/2019. Thứ nhất là việc tập trung chỉ đạo tổ chức phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, đầm ấm, không khí phấn khởi lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Thứ 2 là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng được thực hiện chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên cũng như dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho Hội nghị đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ và Triều Tiên. Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương. Quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2019.

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nêu rõ, cần tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, chỉ đạo và điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.

Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, thận trọng; duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tốt tín dụng, mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất, hạn chế tín dụng đen. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Chỉ đạo quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo các điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, thu hút FDI.

Có phương án, biện pháp hiệu quả xử lý khi giá nông sản, thực phẩm xuống thấp, đặc biệt là đối với lúa gạo, chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo và tái cơ cấu mạnh mẽ ngành lúa gạo; triển khai thực hiện ngay việc mua tạm trữ lúa gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm gia công lắp ráp...
                
   

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019 diễn ra chiều ngày 01/3 tại Hà Nội- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

   
Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2019. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, thông tấn tại Hà Nội.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông báo đến báo giới tóm tắt kết quả phiên họp Chính phủ tháng 02/2019 dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà các nhà báo và dư luận quan tâm thời gian qua, như: Lượng kinh phí mà Việt Nam phải bỏ ra để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có giải pháp gì để tranh thủ quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam khi Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều; quan điểm của Bộ Công thương về tình trạng hàng hoá nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam cũng như các nước khác thời gian gần đây; giải pháp của Bộ Tài chính để đẩy mạnh hệ thống Quỹ hưu trí tự nguyện; giải pháp của Chính phủ để giải quyết tình trạng đóng phí cao để dâng sao giải hạn, làm lễ cầu bình an tại các chùa gây phản cảm thời gian qua…

PHÙNG NGUYÊN