Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức

Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 07/05/2025

(BKTO) - Trước chủ trương bỏ quy định “biên chế suốt đời”, đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), vì họ cũng là người lao động.
202505070839504378_z6576034225054_da648ba96e03bdfda265d87b52d434ce.jpg
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: T. QUỲNH

Kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sáng 07/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trong đó, quy định về chính sách BHTN nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, về mức trợ cấp thất nghiệp, Dự thảo Luật quy định mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng. Đây là mức thấp, khó bảo đảm mức sống trong hoàn cảnh người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập.

Do đó, đại biểu kiến nghị mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên khoảng 65% mức tiền lương bình quân đóng BHTN; trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh..., Chính phủ được phép nâng mức hưởng cho người lao động lên tối đa 75%.

202505070921337380_z6576124245034_d8f89d0df44fb556a2001827ef912eca.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, nhiều lao động hợp đồng ngắn hạn, mức hưởng 60% lương bình quân như quy định tại Điều 41 Dự thảo Luật chưa phù hợp với mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay.

“Thời gian hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng là hợp lý nhưng cách tính lũy tiến 12 tháng được 3 tháng, sau đó 12 tháng thêm 1 tháng là khá chậm, thiệt thòi cho người lao động đóng nhiều năm” - đại biểu nói; đồng thời đề nghị xem xét giảm điều kiện đóng 9 tháng trong 24 tháng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng mức hưởng lên 70% lương bình quân 6 tháng gần nhất trong giới hạn không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng; cải tiến cách tính thời gian hưởng theo hướng cứ mỗi 6 tháng đóng thêm được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thay vì 12 tháng như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro về việc làm nên cần khống chế thời gian hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa để góp phần bảo đảm an toàn Quỹ BHTN.

Theo tính toán, khoảng 40 người đóng BHTN nhưng không hưởng mới đủ chi phí cho 1 người đóng với thời gian tối thiểu để được hưởng BHTN và hưởng đầy đủ các chế độ. Theo tổng hợp, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm/số người đóng hiện nay khoảng 7-8% (12-13 người đóng thì có 1 người hưởng).

Mặt khác, việc khống chế thời gian hưởng (12 tháng) và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm, gia nhập lại thị trường lao động thay vì chờ hưởng hết BHTN.

“Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 03 tháng với mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN (180%) là tương đối phù hợp với các mức trợ cấp thôi việc mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế” – ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Tại Phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN; đặc biệt là trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy và thực hiện chủ trương “bỏ viên chức suốt đời”

Theo quy định của Luật Việc làm và các luật hiện nay, công chức không thuộc đối tượng tham gia BHTN, do công chức làm việc trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không phải làm việc theo hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc, nên công chức không phải đóng BHTN.

202505071054075774_z6576580245470_0ff2683e3cef9ea22adc7504e9a24f3a.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến BHTN khi vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động, nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ.

“Chính sách việc làm quy định trong Dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến đội ngũ này, để bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm tính công bằng giữa các lực lượng lao động trong xã hội” - đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng cho rằng, trước tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hướng tới bỏ “biên chế suốt đời”, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Do đó, để khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia BHTN là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. “Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới” - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định điều kiện hưởng BHTN khi chấm dứt hợp đồng lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu, theo Dự thảo Luật, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN, do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng BHTN.

Đại biểu nêu thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, nhưng vẫn không được hưởng BHTN.

“Tôi cho rằng, đối với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng BHTN với thời gian hưởng theo quy định, nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu” - đại biểu kiến nghị.

Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo Dự thảo Luật quy định thời gian nghỉ thai sản của người lao động được tham gia BHTN, để đồng nhất quy định với các loại bảo hiểm khác (đều được tham gia bảo hiểm trong thời gian nghỉ thai sản).

Ý kiến thảo luận của các ĐBQH sẽ được cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, nghiên cứu, giải trình để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật một cách tốt nhất. Theo chương trình, dự kiến, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 11/6/2025.

NGUYÊN AN