Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, cán cân thương mại đổi chiều

Đầu tư - Ngày đăng : 07:30, 03/03/2019

(BKTO)- Kết thúc 02 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam có sự đảo chiều khiến cho cán cân thương mại dịch chuyển từ thái cực xuất siêu sang nhập siêu.


Xuất khẩu tháng 02 giảm mạnh so với tháng trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2019 tăng cao, nhưng kim ngạch tháng 02 giảm mạnh nên tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2018.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1/2019 đạt 22,076 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 02 ước tính đạt 14,6 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước, theo lý giải của Bộ Công Thương, nguyên nhân là do tháng 02 có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 3,68 tỷ USD, giảm 47,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,92 tỷ USD, giảm 27,4%. Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng 01. Những mặt hàng giảm mạnh nhất là điện tử, máy tính và linh kiện giảm 23,9%; sắt thép giảm 45,8%; giày dép giảm 49,1%; dệt may giảm 51,4%; thủy sản giảm 52,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59,2%.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 02 giảm so với tháng 01/2019 nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 1,6%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: dầu thô tăng 181,4% so với cùng kỳ năm trước; hóa chất tăng 39,9%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 19,7%; giày dép tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,8%; điện thoại và linh kiện tăng 3,1%.
                
   

Xuất khẩu dầu thô tăng mạnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2019 vẫn giảm so với tháng trước. Ảnh: PV OIL

   

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 02 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%.

Số liệu thống kê ghi nhận kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có sự biến động, cụ thể: xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 4,9 tỷ USD, tăng 19%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,9%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 19,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12,7%.

Cùng với đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,3%; rau quả đạt 555 triệu USD, giảm 14,4%; cà phê đạt 500 triệu USD, giảm 26,9% (lượng giảm 19,6%); hạt điều đạt 371 triệu USD, giảm 21% (lượng giảm 2,3%); gạo đạt 335 triệu USD, giảm 17,5% (lượng giảm 4,9%); cao su đạt 278 triệu USD, tăng 1,3% (lượng tăng 16,6%); hạt tiêu đạt 92 triệu USD, giảm 20,6% (lượng tăng 7,8%).

Trong số các thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 127,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 42,5%; hàng dệt may tăng 21%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2%, trong đó giày dép tăng 14,8%; hàng dệt may tăng 14,4%. Trung Quốc đạt 5,1 tỷ USD, giảm 9,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 19%; điện thoại và linh kiện giảm 63%. Thị trường ASEAN đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,5%, trong đó hàng dệt may tăng 47,1%; sắt thép tăng 20,9%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30,5%; giày dép tăng 18,3%; hàng dệt may tăng 10,4%. Hàn Quốc đạt 3,1 tỷ USD, tăng 10,1%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 26,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,4%; hàng dệt may tăng 9,3%.

Nhập khẩu hàng hóa tăng cao, Việt Nam chuyển sang nhập siêu

Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 ước tính đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 31,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,3 tỷ USD, giảm 23,6%. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm, trong đó giảm mạnh ở một số mặt hàng: Điện tử, máy tính và linh kiện giảm 10,1%; điện thoại và linh kiện giảm 22,2%; vải giảm 22,3%; chất dẻo giảm 34,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 tăng 10,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: ô tô tăng 88%; xe máy và linh kiện tăng 55,6%; vải tăng 22,4%; điện thoại và linh kiện tăng 18,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,5%.

Cộng với kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 01/2019 đạt 21,26 tỷ USD, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.

Có thể điểm qua một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 2 tháng như sau: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,6 tỷ USD, tăng 14,6%; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, giảm 12,6%; vải đạt 2,1 tỷ USD, tăng 16%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, giảm 1,2%; chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,6%; ô tô đạt 1 tỷ USD, tăng 105,1%; riêng dầu thô đạt 693 triệu USD, gấp 16,6 lần cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
                
   

Nhập khẩu ô tô 2 tháng đầu năm tăng 105,1% so với cùng kỳ năm trước

   

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 02 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 2,1%. Thị trường ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,6%. Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD, giảm 6,7%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 10,2%; sắt thép giảm 21,5%. Thị trường EU đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 74,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 24,7%. Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6%, trong đó thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 124,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,6%.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu nêu trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thực hiện tháng 01/2019 xuất siêu 816 triệu USD. Tháng 02, Việt Nam ước tính nhập siêu 900 triệu USD.

Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, nhập siêu của Việt Nam vào khoảng 84 triệu USD. Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 5,6 tỷ USD, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,3 tỷ USD, giảm 9,3%; nhập siêu từ ASEAN 943 triệu USD, giảm 6,3%; xuất siêu sang EU 4,1 tỷ USD, giảm 5,2%. Nêu phân chia theo khu vực kinh tế thì khu vực trong nước nhập siêu 4,57 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,49 tỷ USD.

PHÚC KHANG