“Chìa khóa” mở ra tăng trưởng đột phá của ngành nông nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:40, 11/05/2025

Chuyển đổi số là yêu cầu sống còn
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp, khi từ một quốc gia thiếu ăn - Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó, nhờ có khoa học, công nghệ (KHCN) đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị cạnh tranh của nông sản Việt.
Đơn cử, theo Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi Phạm Doãn Lân, nhờ ứng dụng KHCN, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình tạo giống lợn ỉ, với tổng số 14 con; bảo quản tinh 900 liều, tỷ lệ sống sau giải đông từ 35% đến 40%. Ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống, giúp bảo tồn các động vật quý hiếm, nhân rộng nhanh chóng các đặc tính di truyền tốt.
Tuy nhiên, các ý kiến cùng cho rằng, so với các ngành, lĩnh vực khác, nông nghiệp hiện vẫn là “vùng trũng” trong ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Do đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, đồng thời sẽ xóa bỏ các rào cản trong việc đưa KHCN vào nông nghiệp.
TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có, đặc biệt là nền tảng thành quả của ngành nông nghiệp và môi trường, cũng như các tri thức khoa học, mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu đối với Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ, nhằm đáp ứng xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển KHCN và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, tỉnh Bắc Ninh tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, như: Cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.
Bắc Ninh cũng khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
Chung ý kiến khi nhấn mạnh việc ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu sống còn, GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, đây là yêu cầu đặt ra với cả khối công lẫn tư, đặc biệt là với sự phối hợp giữa công và tư sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
“Vấn đề đặt ra là làm sao có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân có thể đồng hành, khai thác hiệu quả những nguồn lực này” - GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn trăn trở.
Thực tế thời gian qua cho thấy ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành Nguyễn Đức Trường thông tin, là đơn vị tiên phong trong ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, mục tiêu của Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ, như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh…
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tiết kiệm 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh của nông sản…
Chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố then chốt cho chuyển đổi số
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị, song những mục tiêu, cách thức triển khai mới cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng làm chủ được công nghệ mới.

TS. Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), một trong những vấn đề cốt lõi được các cấp lãnh đạo Bộ chỉ rõ trong thời gian qua chính là sự chậm trễ trong đổi mới thể chế, đặc biệt là các quy định liên quan đến cơ chế trọng dụng nhân tài. Hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đủ linh hoạt để thu hút, giữ chân đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh yếu tố nền tảng cho bất kỳ sự phát triển đột phá nào.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn Ngành năm 2025 là 4,0% trở lên và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trong bối cảnh tình hình đầy thách thức như hiện nay, đòi hỏi toàn ngành phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW, coi đây là động lực, là nền tảng để ngành bứt phá.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến
Mặc dù ngành đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000ha đất, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Chung quan điểm khi đề cập đến nguồn lực, đặc biệt là yếu tố con người khi thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ KHCN) Nguyễn Phú Tiến cho rằng, trong chuỗi giải pháp, yếu tố nhân lực, đặc biệt là nhân tài, được nhấn mạnh như trụ cột phát triển.
Theo tinh thần các nghị quyết, thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ là bốn trụ chính, nhưng tất cả đều phải xoay quanh con người “không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người”, đặc biệt “người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm” - ông Tiến nhấn mạnh.

Về phía Bộ KHCN, ông Tiến cho biết, Bộ cũng đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. Đây là một bước đi được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền.
Theo TS. Lưu Thành Trung (Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Biến đổi khí hậu), các công nghệ lõi, công nghệ mới, tự chủ về khoa học công nghệ ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ có năng lực nắm bắt, sẵn sàng hội nhập quốc tế, tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Vì vậy, công tác đào tạo không chỉ đào tạo nhân lực mà cần đào tạo nhân tài, những nhà nghiên cứu xuất sắc, dẫn dắt nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần cho tiến trình chuyển đổi xanh đất nước.
TS. Phan Xuân Dũng cho biết với 3,7 triệu hội viên (trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức; 574 tổ chức khoa học công nghệ trên cả nước), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường.
“Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia của Hiệp hội sẵn sàng tham gia cùng ngành nông nghiệp trong việc nghiên cứu, đưa các sản phẩm, công nghệ mới ứng dụng vào thực tiễn sản xuất theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW” - TS. Phan Xuân Dũng cho biết.