Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cần được xử lý như thế nào?
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 04/03/2019
(BKTO) - ĐẶNG THANH SƠN - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp
Ông Đặng Thanh Sơn
Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những vấn đề rất lớn của hoạt động quản lý nhà nước, đây là một công cụ để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt đối với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Theo lý luận và thực tiễn của hệ thống pháp luật Việt Nam, khi tổ chức hay cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ có thể chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến hình sự hoặc hành chính, hoặc kỷ luật, hoặc dân sự.
Có đối tượng và có hành vi để thực hiện việc xử phạt
Luật KTNN năm 2015 không đề cập đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN. Cụ thể, Điều 71 Luật KTNN năm 2015 về xử lý vi phạm quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Câu chuyện đặt ra ở đây là, nếu như có các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực KTNN thì có xử phạt hành chính hay không? Bên cạnh đó, Điều 14 Luật KTNN hiện hành về quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước không quy định KTNN có thẩm quyền xử lý, mà KTNN chỉ có thẩm quyền đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị. Thậm chí, khoản 4 Điều 14 quy định: Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở T.Ư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thủ trưởng cấp trên của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của KTNN, cung cấp thông tin sai sự thật cho KTNN, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận của KTNN… Do đó, đây là vấn đề cơ quan soạn thảo Luật KTNN (sửa đổi) cần phải nghiên cứu rất kỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu trực tiếp liên quan đến vấn đề KTNN là một thiết chế do Quốc hội thành lập, không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Luật KTNN 2015 đã quy định rất nhiều hành vi, trong đó có những hành vi nếu xảy ra thì nó xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước. Cụ thể, Điều 8, Khoản 2 Luật KTNN hiện hành quy định rất nhiều hành vi, trong đó những hành vi này ở một số lĩnh vực khác đều xử phạt vi phạm hành chính, như: hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN và kiểm toán viên nhà nước. Khi đơn vị được kiểm toán từ chối cung cấp những thông tin nói trên khiến KTNN phải kiến nghị cơ quan khác để yêu cầu họ thực hiện thì cơ quan KTNN có thực hiện tốt được nhiệm vụ kiểm toán hay không? Việc báo cáo sai lệch, báo cáo không trung thực, không đầy đủ, khách quan thông tin liên quan đến lĩnh vực KTNN... đều là những hành vi xâm hại đến trật tự quản lý trong lĩnh vực KTNN. Do đó, tôi cho rằng, vấn đề này có đối tượng và có hành vi để thực hiện việc xử phạt.
Bổ sung lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào Luật Xử lý vi phạm hành chính
Luật KTNN ban hành năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012 và trong hơn 60 lĩnh vực phải xử lý hành chính tại Điều 24 Khoản 1 Luật này không có quy định liên quan đến KTNN. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 24 có quy phạm quét: Trong trường hợp phát sinh những lĩnh vực mới chưa quy định thì có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và Chính phủ quy định một mức phạt tối đa trên cơ sở sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vậy, nếu KTNN thấy cần thiết phải xử phạt vi phạm hành chính và KTNN có cơ sở xử phạt để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thì có thể đề xuất, bổ sung lĩnh vực KTNN vào Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi).
Thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong việc xử phạt vi phạm
Đây là vấn đề rất quan trọng. KTNN đã viện dẫn luật kiểm toán của một số nước quy định cơ quan kiểm toán có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đây là vấn đề cần nghiên cứu rất kỹ, bởi lẽ chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có mô hình giống nhau trong việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, còn lại đa số các nước xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi rất hạn hẹp (chỉ phạt vi cảnh) sau đó đưa sang tòa án và gọi là tội phạm nhỏ. Vậy, nếu xác định thẩm quyền xử phạt của KTNN thì phải nghiên cứu rất kỹ vì KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập và Luật KTNN hiện hành chỉ xác định thẩm quyền đánh giá, xác nhận, kết luận kiến nghị chứ không xác định thẩm quyền xử lý (thẩm quyền này chủ yếu do cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước thực hiện). Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy cần thiết và được Quốc hội quy định trong Luật KTNN (sửa đổi) là: “KTNN có thẩm quyền xử phạt” thì có thể thực hiện.
Phải thực hiện xử phạt vi phạm như thế nào?
Để có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, KTNN không thể chỉ đơn thuần dựa vào Luật KTNN năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật KTNN (sửa đổi), bởi việc xử lý vi phạm hành chính là một trong những vấn đề rất chi tiết tại từng luật chuyên ngành. Điều 71 của Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã được đưa vào rất nhiều nội dung, trong đó quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực KTNN đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng; quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán trưởng KTNN các khu vực có thẩm quyền xử phạt và giao Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Cho dù có quy định như vậy, KTNN cũng rất khó xử phạt, bởi: nếu như Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền xử phạt thì xử phạt đến đâu, xử phạt với hình thức nào; cơ quan, chức danh của kiểm toán trưởng KTNN khu vực là ai, có được phạt không, thẩm quyền đến đâu, hình thức phạt nào, kiểm toán viên có quyền được xử phạt không, hình thức xử phạt như thế nào; trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện theo văn bản nào… tất cả những nội dung này phải nằm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 của Quốc hội và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào năm 2020. Vì vậy, hai cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật KTNN và Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong vấn đề quy định thẩm quyền xử phạt của KTNN. Quan trọng là vấn đề này cần quy định như thế nào, nên đưa vào Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) hay Luật KTNN (sửa đổi)?
THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019