Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong vấn đề phối hợp với Kiểm toán Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 04/03/2019

(BKTO) - Thời gian qua, công tác phối hợp giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong xây dựng kế hoạch hằng năm và sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN và lãnh đạo TTCP quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm đảm bảo mỗi đơn vị thực hiện đúng các chức năng nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động thanh tra, kiểm toán đến hoạt động thường xuyên của các đơn vị là đối tượng được thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, mặc dù giữa KTNN và TTCP hiện không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, song tình trạng trùng lặp về đối tượng, đơn vị được thanh tra, kiểm toán thì vẫn còn trên thực tế.


Kiểm toán Nhà nước vàThanh tra Chính phủ đã làm tốt công tác phối hợp

Hằng năm, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán, KTNN đều gửi lấy ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan, trong đó có gửi trao đổi, gửi lấy ý kiến của TTCP theo nội dung quy định tại Điều 4 Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm toán.

Ông Trần Khánh Hòa

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, ngoài việc xin ý kiến bằng văn bản, KTNN và TTCP đều tổ chức họp để kiểm tra, rà soát chi tiết từng cuộc thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu trùng lặp, chồng chéo giữa Kế hoạch kiểm toán năm của KTNN với Kế hoạch thanh tra năm của TTCP và thanh tra một số Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng...). Do làm tốt công tác phối hợp, việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán đã cơ bản được giải quyết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, KTNN và TTCP đã phối hợp chặt chẽ, xử lý dứt điểm từng trường hợp trùng lặp phát sinh, như: xử lý trùng lặp giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán tại thành phố Hải Phòng giữa KTNN khu vực VI và Cục I thuộc TTCP; xử lý tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán năm 2017 tại TP. Cần Thơ giữa KTNN khu vực V và Cục III thuộc TTCP; tại TP. Vũng Tàu và giữa KTNN khu vực XIII và Cục III thuộc TTCP; xử lý chồng chéo tại các dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 TP. HCM giữa KTNN khu vực IV và Cục I thuộc TTCP; xử lý chồng chéo về kiểm toán, thanh tra tại các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên…

Qua công tác phối hợp, trao đổi, KTNN và TTCP đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo nhằm giảm trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra nói chung, đặc biệt là thanh tra bộ ngành và thanh tra địa phương. Trên cơ sở đó, hai cơ quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để các đơn vị trong nội bộ triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN và TTCP đã có sự quan tâm, ghi nhận, sử dụng kết quả kiểm toán và thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đối tượng, nội dung thanh tra và kiểm toán, qua đó đã hạn chế sự chồng chéo và giảm bớt được thời gian, nhân lực đáng kể của hai cơ quan trên quan điểm “không thanh tra, kiểm toán về một nội dung tại cùng một đối tượng”.

Đồng thời, hai cơ quan cũng tích cực phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu về kết quả kiểm toán phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán bằng việc tổ chức trao đổi trực tiếp hoặc tham gia ý kiến bằng văn bản nhằm nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán. Chẳng hạn, KTNN đã phối hợp với TTCP trong việc cung cấp hồ sơ, số liệu kết quả kiểm toán để phục vụ Chính phủ báo cáo Quốc hội và phối hợp cử công chức tham gia về công tác phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2015 đến nay, KTNN đã cung cấp cho TTCP tổng hợp kết quả kiểm toán của KTNN năm 2013, 2014 về việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” tại các DN trực thuộc Bộ Quốc phòng và các DN trực thuộc các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;…

Những bất cập và giải pháp sửa đổi

Cùng với những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa KTNN và TTCP về xây dựng kế hoạch và sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán còn một số bất cập cần khắc phục như sau: Việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán vẫn chủ yếu được giải quyết trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác và các văn bản nội ngành, các văn bản chỉ đạo cá biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm toán mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Do đó, việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp thực chất mới chỉ được thực hiện giữa KTNN và TTCP mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để khắc phục trùng lặp, chồng chéo giữa KTNN và các cơ quan thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương.

Trong các năm qua, mặc dù KTNN đã chủ động ban hành danh mục đơn vị được kiểm toán chi tiết từ rất sớm (trước 31/12 niên độ kiểm toán) và gửi tới từng bộ, ngành, địa phương có liên quan để rà soát, song một số đơn vị thanh tra bộ ngành và địa phương chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và TTCP về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, dẫn đến việc vẫn còn trùng lặp tại một số đầu mối được kiểm toán và phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra.

Việc phối hợp, trao đổi thông tin, tài liệu về thanh tra, kiểm toán giữa hai cơ quan đôi lúc chưa duy trì tốt, chưa thực sự hiệu quả nên chưa phát huy được sự phối hợp trong việc sử dụng kết quả kiểm toán trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Từ thực tế trên, để tăng cường công tác phối hợp trong lập kế hoạch và trao đổi thông tin, kết quả thanh tra, kiểm toán, Luật KTNN năm 2015 cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc phối hợp với KTNN, nhằm giảm chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động, cụ thể: Một là, quy định rõ trách nhiệm của KTNN và TTCP trong phối hợp lập Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra hằng năm trên tinh thần đảm bảo tính độc lập theo Hiến pháp của hoạt động kiểm toán và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị.

Hai là, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo, nhằm đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán và phù hợp với Quy chế phối hợp và các quy định hiện hành của TTCP và KTNN.

Ba là, quy định rõ trách nhiệm của KTNN và các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc sử dụng các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã ban hành, phù hợp với quy trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của từng đơn vị để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động.
ThS. TRẦN KHÁNH HÒA
Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước