Củng cố, định vị lại quan hệ giữa Việt Nam với các nước

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:27, 14/05/2025

(BKTO) - Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus hết sức thành công, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Chuyến công tác không chỉ củng cố mà còn làm mới, định vị lại quan hệ với các nước trên nền tảng tình hữu nghị lâu đời đã được vun đắp qua các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và các nước.

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi trả lời phỏng vấn sau chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm.

3.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Thông tin về những kết quả nổi bật của chuyến công tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, trước hết, chuyến công tác đã góp phần triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus, đưa tổng số nước có quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam lên 37. Đồng thời, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, qua đó tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai mở các hướng triển khai mới các lĩnh vực hợp tác cho tương xứng với tầm mức của quan hệ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao các nước đều khẳng định coi trọng và đặt ưu tiên cao đối với quan hệ bạn bè hữu nghị truyền thống, luôn kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập trước đây và công cuộc phát triển đất nước ngày nay, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường.

Thứ ba, các cuộc tiếp xúc quan trọng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao các nước đã có những kết quả rất tốt đẹp, định hình quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước trong thời gian tới, tạo nên xung lực mới không chỉ trong các khuôn khổ hợp tác truyền thống mà cả những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng, tương xứng với tầm vóc quan hệ được thiết lập mới.

Thứ tư, trên bình diện đa phương, trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước tại các tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức khác.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam và các nước Kazakhstan, Azerbaijan, Liên bang Nga và Belarus cũng đã ký khoảng 60 thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như ngoại giao, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, năng lượng, giáo dục - đào tạo, hàng không…, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để quan hệ giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Về những biện pháp cụ thể của Việt Nam để hiện thực hóa kết quả của chuyến công tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam và các đối tác sẽ phối hợp tích cực, chặt chẽ, bám sát tinh thần các Tuyên bố chung, thỏa thuận hợp tác và nhận thức chung của các lãnh đạo cấp cao, trong đó tập trung vào một số phương diện chính.

Một là, thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh, bao gồm thúc đẩy hợp tác giữa các chính Đảng và tăng cường phối hợp hiệu quả, tích cực giữa Chính phủ, Quốc hội các nước; đồng thời nâng cao vai trò của các Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và các đối tác. Qua đó, Việt Nam và các quốc gia sẽ duy trì hiệu quả đà phát triển của quan hệ song phương, tiếp tục củng cố, nâng cao tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống lâu đời.

Hai là, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để nâng tầm hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Sau chuyến thăm, các cơ quan chức năng của Việt Nam và các đối tác sẽ tích cực trao đổi, phối hợp để cụ thể hóa các văn kiện hợp tác đã ký kết.

Trên tinh thần Tuyên bố chung và nhận thức chung giữa các lãnh đạo cấp cao, Việt Nam và các nước sẽ cùng thống nhất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, trong đó có việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương, đồng thời đề ra các biện pháp để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc còn tồn đọng.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam sẽ cùng các đối tác phối hợp tốt ở cả bình diện song phương thông qua cơ chế Ủy ban liên chính phủ và qua cơ chế đa phương như Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên đầu tư, kinh doanh lâu dài vào thị trường của nhau.

Việt Nam cũng sẽ cùng các đối tác nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu, đồng thời phát triển kết nối giao thông, vận tải đa phương thức để tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các bên.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và các nước sẽ cùng nhau trao đổi, nghiên cứu để mở rộng các dự án hợp tác sẵn có trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, kết nối đường sắt, hàng không…; đồng thời từng bước xây dựng, triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…

Ba là, tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, du lịch…, nhằm củng cố nền tảng nhân văn vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác.

Bốn là, duy trì phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc. Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy cao, Việt Nam sẽ tích cực trao đổi với các nước về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, qua đó chung tay đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và trên thế giới./.

TUẤN MINH