Đề xuất tiếp tục áp dụng các cơ chế đặc thù cho một số địa phương sau sắp xếp

Chính trị - Ngày đăng : 16:31, 19/05/2025

(BKTO) - Sáng 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
chi_0619.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện. Số lượng ĐVHC cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ trưởng, tính đến nay, cả nước có 10 địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW sẽ có 06/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thành phố Buôn Ma Thuột), Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ.

"Việc sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện dẫn đến thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý, địa vị pháp lý, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội,... của các địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tại Văn bản số 14708-CV/VPTW ngày 05/5/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đồng ý chủ trương: Cho phép các địa phương sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện đối với địa phương trước khi sáp nhập; cho phép các xã, phường mới tương ứng với địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép thực hiện với thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay; thể chế hóa chủ trương này bằng hình thức phù hợp tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc.

chi_0626.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế cũng như tạo thế và lực mới cho các địa phương đang có cơ chế, chính sách đặc thù sau khi thực hiện việc sắp xếp ĐVHC các cấp và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa các nội dung dưới đây vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV như sau:

Cho phép các địa phương sau sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh.

Cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC 02 cấp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc.

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành với chủ trương này. Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra nhận thấy, trên thực tế, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau khi sắp xếp ĐVHC không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, mà theo đó sẽ có liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách bảo đảm giữ vững nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị: "tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc" theo đúng yêu cầu tại Văn bản số 14708-CV/VPTW ngày 05/5/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng./.

Đ. KHOA