Kiểm toán nhà nước khu vực IV: 30 năm vững bước, khẳng định vị thế "cánh chim đầu đàn"
Kiểm toán - Ngày đăng : 19:58, 19/05/2025

Tham dự buổi lễ, về phía KTNN có đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Trần Minh Khương; các nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng, Nguyễn Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
Đại diện các địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, các đồng chí Võ Văn Minh - Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Nguyễn Hồng Thanh - Quyền Chủ tịch UBND Tây Ninh; Mai Văn Nhiều - Phó Chủ tịch Phụ trách HĐND tỉnh Long An; cùng đại điện các cơ quan, sở, ban ngành của thành phố HCM, tỉnh Long An, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Về phía KTNN khu vực IV có đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, Kiểm toán trưởng, cùng các nguyên lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ, các cán bộ hưu trí và toàn thể công chức, kiểm toán viên, người lao động của đơn vị.

Chặng đường 30 năm: Từ khởi đầu gian khó đến thành tựu rực rỡ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV, đã ôn lại chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của đơn vị. Tiền thân là KTNN khu vực Phía Nam, được thành lập ngày 19/5/1995, chỉ gần một năm sau khi KTNN ra đời, KTNN khu vực IV đã vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định vị thế là một trong những đơn vị vững mạnh nhất của ngành.
Khi mới thành lập, đơn vị chỉ có 4 phòng nghiệp vụ với 30 cán bộ, trụ sở phải đi thuê, trang thiết bị thiếu thốn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm, KTNN khu vực IV đã từng bước xây dựng nền móng vững chắc.

Đến nay, đơn vị đã phát triển mạnh mẽ với 7 phòng chuyên môn, đội ngũ 102 cán bộ, công chức, 100% có trình độ từ đại học trở lên, trong đó 20% là thạc sĩ, 3% là tiến sĩ và 1 tiến sĩ được công nhận chức danh phó giáo sư. Cơ cấu ngạch bậc hợp lý với 2% kiểm toán viên cao cấp, 38% kiểm toán viên chính và 50% kiểm toán viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, tạo điều kiện để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong 30 năm qua, KTNN khu vực IV đã thực hiện 302 cuộc kiểm toán, trung bình 10 cuộc mỗi năm. Các cuộc kiểm toán được triển khai phù hợp với năng lực đội ngũ và yêu cầu thực tiễn qua từng giai đoạn. Đơn vị đã đi đầu trong các lĩnh vực kiểm toán phức tạp như quản lý, sử dụng đất đai, đối chiếu kê khai thuế và chống xói mòn cơ sở thuế (chuyển giá). Một số cuộc kiểm toán chuyên đề tiêu biểu như Kiểm toán Chuyên đề đất đai giai đoạn 2001-2010 (năm 2012) và Chuyên đề quản lý, sử dụng đất đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 đã được đánh giá cao và nhân rộng trong toàn Ngành.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN khu vực IV đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 106.575 tỷ đồng, trung bình 3.550 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 37.885 tỷ đồng, giảm chi NSNN 26.954 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt xa nguồn ngân sách phân bổ cho hoạt động của đơn vị.
Ngoài ra, KTNN khu vực IV đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp, góp phần khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng tăng đáng kể qua các giai đoạn: từ 80,1% trong giai đoạn 2015-2019 lên 89,3% trong giai đoạn 2020-2024, thể hiện uy tín và hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, KTNN khu vực IV luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể. Đảng bộ KTNN khu vực IV nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc cho hoạt động của đơn vị. Các phong trào đoàn thể được tổ chức sôi nổi, gắn kết cán bộ, công chức, kiểm toán viên, tạo môi trường làm việc đoàn kết, chuyên nghiệp.
Đánh giá cao những đóng góp của KTNN khu vực IV nói riêng và KTNN nói chung đối sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Chúng tôi trân trọng và đánh giá rất cao những đóng góp của KTNN khu vực IV trong nhiều lĩnh vực đã góp phần giúp thành phố thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra. Qua các cuộc kiểm toán về ngân sách, đất đai, dự án đầu tư và các chương trình về chống ngập, giao thông… KTNN khu vực IV đã chỉ ra những tồn tại, kịp thời đưa ra những kiến nghị hết sức là thiết thực, góp phần hoàn thiện thể chế chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường vừa qua.
Định hướng phát triển trong bối cảnh mới
Phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN khu vực IV đã xác định rõ định hướng then chốt trong giai đoạn tới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác kiểm toán sẽ là những nhiệm vụ then chốt, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của KTNN khu vực IV trong ngành.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Nguyễn Hữu Phúc để cụ thể hóa định hướng này đơn vị cũng đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới bao gồm:
Trước hết, KTNN khu vực IV tiếp tục củng cố đội ngũ nguồn nhân lực của đơn vị đủ về số lượng và có cơ cấu hợp lý phù hợp với định hướng tinh gọn bộ máy, đồng thời, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vừa có kiến thức chuyên sâu vừa có kiến thức đa ngành đảm bảo đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ kiểm toán mới, phức tạp.
Thứ hai tiếp tục phát huy bản lĩnh, sức sáng tạo và chủ động trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán thông qua việc đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán nhằm lựa chọn đúng, trúng các chủ đề kiểm toán được dư luận và xã hội quan tâm như đảm bảo thực hiện 100% các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN và kịp thời phát hành báo cáo kiểm toán gửi HĐND làm căn cứ phê duyệt quyết toán; tăng cường các cuộc kiểm toán chuyên đề chuyên sâu, kiểm toán hoạt động để đánh giá toàn diện sự phù hợp của các chính sách quản lý, điều hành cũng như quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp củng cố cho các kết luận và kiến nghị kiểm toán nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán cho KTV và tăng cường hiệu lực kiểm toán thông qua tăng cường tiếp cận kiểm toán dựa trên kết quả đầu ra ngay từ giai đoạn lập KHKT của cuộc kiểm toán; đảm bảo việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm kịp thời và nghiêm minh, sao cho mỗi đồng ngân sách được giám sát và mỗi chính sách được kiểm chứng một cách minh bạch và khoa học.
Thứ tư, hoàn thiện cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu tổ chức, tinh giản bộ máy để tạo sự linh hoạt và hiệu quả.
Thứ năm, tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ hợp tác và phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm toán trên địa bàn, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt các Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN khu vực IV với Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn hoạt động của đơn vị. Đồng thời tiếp tục phổ biến, quán triệt và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các KTV của KTNN khu vực IV luôn luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của KTV nhà nước và thực hiện nghiêm Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhằm duy trì niềm tin của Đảng, Nhà nước và công chúng đối với KTNN.

Ghi nhận và kỳ vọng từ lãnh đạo Kiểm toán nhà nước
Tôi có định hướng mỗi năm chúng ta làm 1-2 chuyên đề toàn Ngành và yêu cầu các khu vực cũng chọn 1-2 chuyên đề của khu vực, tập trung vào những vấn đề “nóng”, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát để thực hiện kiểm toán. Muốn có vị thế thì phải chọn được điểm “nóng”, không ngại khó, không ngại khổ, không ngại va chạm”.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước, biểu dương những thành tựu nổi bật của KTNN khu vực IV trong 30 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, các cuộc kiểm toán của đơn vị trong các lĩnh vực như ngân sách địa phương, doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán chuyên đề đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Kết quả kiểm toán không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình mà còn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị được kiểm toán.
“Trong thời gian tới, tôi rất muốn toàn Ngành nói chung và KV IV nói riêng phải tập trung vào nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đặc biệt là chất lượng các báo cáo chuyên đề trong bối cảnh mới. Bây giờ chúng ta chấm dứt hoạt động cấp huyện, tổ chức sáp nhập lại tỉnh và tổ chức lại cấp cơ sở bao gồm cấp xã, phường và đặc khu. Chúng ta tổ chức kiểm toán thế nào trong bối cảnh này khi được giao nhiệm vụ kiểm toán quyết toán 100% ngân sách, cấp tỉnh thì các đồng chí đã xác nhận được, còn với mô hình cấp cơ sở như thế này thì tổ chức thế nào?" - Tổng Kiểm toán nhà nước đặt câu hỏi và cho biết trong Ngành đã thành lập 01 tổ đi làm việc với các khu vực để tính toán, bàn với nhau các phương án kiểm toán bắt đầu từ năm 2026.
Tổng Kiểm toán nhà nước nêu vấn đề, nếu đảm bảo xác nhận được 50% ngân sách cấp xã, phường mà với nguồn lực, con người như hiện nay thì chúng ta tổ chức như thế nào? Nhân dịp 30 năm, tôi giao nhiệm vụ cho KTNN khu vực IV, "cánh chim đầu đàn" trong các KTNN khu vực, xây dựng phương án, phối hợp với tổ công tác tổ chức kiểm toán trong bối cảnh mới và yêu cầu trong các báo cáo chuyên đề trong định hướng sắp tới chúng ta sẽ bàn để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VIII - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh./.