Cắt giảm loạt thủ tục hành chính trong đầu tư nhà ở xã hội

Pháp luật - Ngày đăng : 11:37, 20/05/2025

(BKTO) - Các cơ chế, chính sách đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến hàng trăm ngày.

Sáng 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

202505200918004598_z6619307765317_426fc186d44c728b7119c15071d59d29.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Không quy định thủ tục hành chính mới, cắt giảm nhiều thủ tục hiện hành

Thay mặt Chính phủ báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay; tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Dự thảo Nghị quyết cũng hướng đến thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội đồng thời có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Dự thảo Nghị quyết không quy định các thủ tục hành chính mới, đồng thời đã cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính.

Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu.

“Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đề xuất tại Điều 5 Dự thảo Nghị quyết với trình tự, thủ tục giao Chính phủ quy định chi tiết dự kiến thực hiện tối đa 75 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành”- Bộ trưởng Trần Hồng Minh thông tin.

Hay đối với quy định không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (Điều 6 Dự thảo Nghị quyết) dự kiến cắt giảm được 65 ngày so với quy định hiện hành (bằng 100%).

Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Dự thảo Nghị quyết quy định bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.

Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, đối với quy định bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành.

Đối với quy định chỉ định thầu rút gọn, thời gian thực hiện khoảng 15 ngày, trong khi thực hiện theo quy trình đấu thầu thông thường mất khoảng 60-90 ngày đối với đấu thầu trong nước, từ 90-120 ngày đối với đấu thầu quốc tế. Theo đó, thực hiện cắt giảm được từ 45-105 ngày so với quy định hiện hành (75-90%).

Bên cạnh đó, đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và miễn giấy phép xây dựng quy định tại Dự thảo Nghị quyết sẽ thực hiện cắt giảm được 20 -30 ngày so với quy định hiện hành (100%).

Quy định về xác định giá bán, giá thuê mua thực hiện theo Dự thảo Nghị quyết cũng cắt giảm được từ 30-90 ngày so với quy định hiện hành (100%).  

Về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng: Chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán về chi phí đầu tư xây dựng của dự án theo quy định và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi có dự án để kiểm tra giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

202505200918004129_z6619304439135_ef81fe2eb322c52354dd09d9be3e8d35.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, Cơ quan thẩm tra cho rằng, các chính sách được đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cơ bản tán thành cơ chế đặc thù về việc giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.

Tuy nhiên, Ủy ban chỉ rõ, quy định tại khoản 1 Điều 5 gây ra cách hiểu Điều này áp dụng với cả dự án đầu tư công (quyết định chủ trương đầu tư) và dự án không sử dụng vốn đầu tư công (chấp thuận chủ trương đầu tư).

Tuy nhiên, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư và nội dung đánh giá chính sách về vấn đề này tại Tờ trình của Chính phủ chỉ gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, do đó, Ủy ban đề nghị rà soát để quy định chính sách đặc thù tại Điều này phù hợp với nguồn vốn đầu tư.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị rà soát và chỉnh lý toàn bộ đối tượng về nhà ở áp dụng tại Điều này bảo đảm chính xác, thống nhất, minh bạch, chặt chẽ, tránh vướng mắc trong áp dụng pháp luật; rà soát để quy định điều kiện giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đầy đủ, bao quát hơn; bổ sung làm rõ thêm các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm công bằng, chặt chẽ, khách quan.

Đ. KHOA