Từng bước xóa nghèo tại huyện nghèo vùng cao
Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 20/05/2025

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có hơn 100 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm, năm 2024 còn 25,85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,9 triệu đồng/người/năm.
Ông Triệu Minh Xiết - Phó bí thư Huyện ủy cho biết, xác định “xóa nghèo từ tư duy” để hướng đến giảm nghèo về kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, tránh phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước.
“Thay đổi lớn nhất là trên địa bàn huyện là có nhiều mô hình kinh tế phát triển, người dân ngày càng có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo” - ông Xiết nói.
Cũng theo ông Xiết, từ năm 2022-2023 huyện đã giảm được việc xin gạo cứu trợ. Năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không phải xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt.
Câu chuyện giảm nghèo của Mường Lát cũng phản ánh tinh thần nỗ lực chung của cả nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo đó, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được Chính phủ xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trước đó, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, hai chương trình quan trọng là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cần được tổng kết trong tháng 6/2025.
Kết quả tích cực và nhiều kỳ vọng, theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 5,02% đầu kỳ (2021) xuống còn 1,93% cuối năm 2024, đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là giảm 1,0-1,5%/năm.
Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm thêm 0,8–1%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 44,97% xuống 24,86%, trung bình giảm 6,7%/năm - cao hơn mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 25,91% xuống còn 12,55%, tương đương mức giảm trung bình 4,45%/năm. Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và 3 huyện nghèo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Dự kiến đến cuối năm 2025, 22 huyện nghèo sẽ được công nhận thoát nghèo, tương ứng 30% số huyện nghèo, đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.
Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để xây dựng khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn mới (2026-2030). Các định hướng, chỉ tiêu cần được hoạch định rõ ràng, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự đồng hành của người dân./.