Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cần một cuộc tái thiết toàn diện
Kiểm toán - Ngày đăng : 06:28, 22/05/2025

Chi tiêu trùng lặp, chưa thực hiện được sứ mệnh
Đến tháng 9/2024, có 22 quỹ TCNNS do các Bộ, cơ quan Trung ương thành lập hoặc được giao quản lý; trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý (chiếm 90,8% tổng số dư các quỹ), Quỹ Tích lũy trả nợ (chiếm 7,7%), các quỹ còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 2%.
Theo kết quả kiểm toán của KTNN và các báo cáo liên quan của Chính phủ và Quốc hội, quy định về bộ máy quản lý không thống nhất giữa các quỹ, bộ máy quản lý một số quỹ còn cồng kềnh gây lãng phí nguồn nhân lực, phát sinh chi phí. Một số quỹ do các cán bộ của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ hoặc liên bộ quản lý, cơ cấu tổ chức hoàn toàn kiêm nhiệm, không phát sinh chi phí quản lý; trong khi nhiều quỹ xây dựng cơ cấu tổ chức riêng, bao gồm hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban quản lý quỹ. Một số quỹ khác được quản lý dưới dạng công ty quản lý...
Đáng lưu ý, một số quỹ có nhiệm vụ chi trùng lặp với ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc với Ngân hàng Chính sách xã hội. Có quỹ quy định nhiệm vụ chi không cụ thể. Không ít quỹ vẫn đang “sống” nhờ NSNN, nguồn thu chủ yếu đến từ lãi gửi ngân hàng, trong khi khoản vốn gửi lại do ngân sách cấp. Một số quỹ chưa tạo được nguồn thu từ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ và các nguồn khác, việc huy động quản lý nguồn thu còn hạn chế; chưa có quy trình nghiệp vụ đầy đủ, chưa ban hành quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, hoặc chưa kiểm tra, công khai tài chính theo đúng quy định. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của một số quỹ chưa hiệu quả, chưa đảm bảo mục tiêu cũng như sứ mệnh đặt ra.
Tôi nhất trí với khuyến nghị của KTNN là giải thể những quỹ có nhiệm vụ chi trùng với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội; quỹ có nguồn thu chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng, các quỹ không còn phù hợp, hoạt động hình thức hoặc không đạt mục tiêu...; sáp nhập những quỹ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để tinh gọn bộ máy và tránh chồng chéo. Đối với các quỹ có nguồn thu và nguồn vốn hoạt động phụ thuộc vào ngân sách cấp và nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi của NSNN, cần giải thể, đưa về ngân sách để quản lý tập trung, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cho rằng, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến thực trạng trên là do việc rà soát, đánh giá hoạt động của các quỹ để đề xuất sáp nhập, giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, hết nhiệm vụ hoặc trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN theo Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chậm, chưa nghiêm. Thứ hai, số thu và nguồn vốn hoạt động của nhiều quỹ phụ thuộc vào ngân sách cấp, hoặc thu theo tỷ lệ doanh thu hoặc có tính chất bắt buộc không khác gì các khoản thuế khác (như Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích) mà chưa chủ động huy động các nguồn vốn khác ngoài NSNN. Thứ ba, khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động, nhiệm vụ chi của một số quỹ chưa được ban hành đầy đủ và tương đối chậm; điều này làm giảm hiệu quả hoạt động của quỹ, không đạt được mục tiêu như đề xuất thành lập quỹ.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng, nguyên nhân khiến nhiều quỹ TCNNS không đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp như kỳ vọng là do đội ngũ nhân sự còn thiếu sáng tạo và ngại chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, do phần lớn vốn điều lệ của các quỹ là từ ngân sách nên không ít lãnh đạo quỹ xem đây là "tiền nhà nước", dẫn đến thiếu trách nhiệm trong sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện trách nhiệm giải trình. Thêm vào đó, nội bộ các quỹ còn thiếu hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, thậm chí có hiện tượng tiêu cực như cho vay sai đối tượng, ưu ái người thân quen.
Xử lý các quỹ hoạt động không hiệu quả ra sao?
Từ phân tích trên với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất chấm dứt hoạt động của các quỹ TCNNS hoạt động không hiệu quả để dành nguồn lực thực hiện những chương trình thiết thực hơn. Trường hợp vẫn duy trì một số quỹ, việc đầu tiên là cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động của quỹ. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) rõ ràng cho từng quỹ, bảo đảm các quỹ thực hiện đúng mục tiêu.
Nhằm khắc phục hạn chế, qua đó giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho các quỹ, KTNN khuyến nghị: Cần phân loại rõ ràng giữa nhóm quỹ công hoạt động theo điều lệ quỹ và các luật chuyên ngành (gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Tích lũy trả nợ) với các quỹ TCNNS còn lại để có cơ chế quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu sắp xếp các quỹ TCNNS do Trung ương quản lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực NSNN. Sắp xếp mô hình quản lý các quỹ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Một số quỹ có thể không nhất thiết tổ chức bộ máy riêng mà chỉ cần Bộ, ngành xác định tiêu chuẩn, tiêu chí được hưởng ưu đãi từ quỹ và ủy thác các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp vay và hưởng ưu đãi theo sứ mệnh của quỹ. Có thể tổ chức hoạt động theo hướng cử các cán bộ chuyên quản và thực hiện ủy thác hoạt động cho vay cho các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại. Một giải pháp khác là rà soát sứ mệnh và mục tiêu hoạt động của các quỹ để đề xuất các biện pháp và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo các quỹ hoạt động đúng chức năng, thực hiện đầy đủ sứ mệnh, mục tiêu. Thậm chí, một số quỹ có thể sáp nhập hoặc chấm dứt sứ mệnh hoạt động...
Để tránh lãng phí nguồn lực công, ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các quỹ theo Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14, từ đó phân loại rõ thành nhóm các quỹ hoạt động hiệu quả và nhóm các quỹ không hiệu quả; xác định các quỹ trùng lặp chức năng với nhiệm vụ chi của NSNN hoặc trùng lặp nhiệm vụ của các quỹ khác. Cùng với đó, cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, các quỹ phải công khai báo cáo tài chính, kết quả hoạt động hằng năm; xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả rõ ràng (hiệu suất sử dụng vốn, kết quả đầu ra cụ thể); thiết lập cơ chế giám sát độc lập, thông qua KTNN, giám sát của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát các quỹ. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi khung pháp lý quản lý quỹ theo hướng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, quy định rõ về cơ chế thành lập, quản lý, quyết toán, thẩm quyền quyết định giải thể quỹ; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để quỹ hoạt động kém hiệu quả./.