Chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:10, 22/05/2025

Tham dự Hội thảo có: ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam, ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam.
Cùng dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan trung ương, chuyên gia từ KTNN, ACCA, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ADB Việt Nam, đại diện các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế, các ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học và các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính - kiểm toán.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và blockchain đang thay đổi căn bản cách thức kiểm toán. Các công nghệ này không chỉ nâng cao độ chính xác, hiệu suất công việc mà còn làm cho nghề kiểm toán trở nên hấp dẫn hơn khi nhân sự được giải phóng khỏi các công việc nhàm chán để đảm nhiệm vai trò phân tích, tư vấn có giá trị cao. Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu nâng cao đã trở thành công cụ đắc lực giúp kiểm toán viên đánh giá rủi ro, nhận diện sai sót trọng yếu và rút ra những phân tích có giá trị từ dữ liệu phi cấu trúc khổng lồ.

Tuy nhiên, công nghệ sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò con người. Kinh nghiệm, trực giác và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên vẫn là nhân tố quyết định để đảm bảo niềm tin của công chúng. Công nghệ là công cụ để chúng ta làm việc thông minh hơn, chứ không phải để loại bỏ con người khỏi quy trình. Vì vậy, kiểm toán viên cần học hỏi kỹ năng mới, sẵn sàng thích ứng với những phương pháp kiểm toán hiện đại, đồng thời giữ vững giá trị cốt lõi của nghề nghiệp.
Trong bối cảnh đó, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng động và nền tảng công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, KTNN Việt Nam có điều kiện thuận lợi để ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng số. Mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước đã nhấn mạnh việc ứng dụng AI trong kiểm toán là “nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay” để nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia. Quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng hành động.

KTNN đã thí điểm ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán tại cuộc Kiểm toán Chuyên đề việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại một số địa phương. Những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. AI đã hỗ trợ kiểm toán viên phân tích dữ liệu và lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn; đã cập nhật tự động các quy định pháp luật, so sánh đối chiếu dữ liệu trên phạm vi rộng để có các đánh giá chính xác, toàn diện và hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra kết luận khách quan hơn.
“Nếu biết tận dụng thời cơ, Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu nhiều xu hướng mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán công. Chúng ta có thể xây dựng một nền kiểm toán hiện đại, minh bạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và quản trị quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu về ứng dụng công nghệ trong kiểm toán ở khu vực nếu có chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt ngay từ bây giờ” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong kiểm toán công là xu thế tất yếu. Vấn đề chỉ còn là chúng ta hành động nhanh hay chậm mà thôi. Tôi kêu gọi mỗi đơn vị, mỗi kiểm toán viên hãy chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ; hãy mạnh dạn đề xuất và thử nghiệm những cách làm mới; và quan trọng hơn cả là hãy thay đổi tư duy để sẵn sàng cho một tương lai kiểm toán số hóa.
Việt Nam chúng ta có đủ lý do để tin tưởng và lạc quan. Bởi lẽ, chúng ta không khởi hành một mình, mà có cả một cộng đồng kiểm toán quốc tế đang chuyển mình, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác. Với sự quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng lòng của đội ngũ kiểm toán viên và sự hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ, tôi tin rằng KTNN Việt Nam sẽ vững vàng bước lên con tàu kỷ nguyên số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá thêm, chuyển đổi số trong kiểm toán không chỉ đơn thuần là đầu tư máy móc, phần mềm, mà còn là đổi mới tư duy và cách làm. Mỗi kiểm toán viên cần hiểu rằng công nghệ không đe dọa chúng ta, mà chính là thời cơ để chúng ta làm tốt hơn sứ mệnh của mình.
Hội thảo này là dịp để chúng ta học hỏi từ quốc tế, lắng nghe những bài học kinh nghiệm thực tiễn từ bạn bè thế giới. Sự kết nối tri thức và kinh nghiệm ở tầm quốc tế sẽ giúp KTNN Việt Nam mở rộng tầm nhìn, tự tin hơn trong việc hoạch định chiến lược ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của dữ liệu số. Các hệ thống ERP, nền tảng thanh toán điện tử và giao dịch thương mại điện tử tạo ra hàng tỷ giao dịch mỗi ngày, vượt xa khả năng xử lý thủ công. Việc lấy mẫu ngẫu nhiên - vốn là thông lệ của hoạt động kiểm toán đang có nguy cơ bỏ sót những sai phạm trọng yếu ẩn sâu trong "biển dữ liệu". Điều này đòi hỏi kiểm toán phải chuyển từ mô hình chọn mẫu sang phân tích toàn diện, nơi AI và học máy trở thành trợ thủ đắc lực.
Xã hội không chỉ mong đợi kiểm toán phát hiện sai sót mà còn kỳ vọng vào khả năng cảnh báo sớm rủi ro, định hướng chính sách và tham vấn quản trị. Một báo cáo kiểm toán về đầu tư công không chỉ dừng lại ở việc xác định chênh lệch ngân sách mà cần chỉ ra nguyên nhân sâu xa từ thiết kế thể chế hoặc bất cập trong giám sát. Đây là thách thức đòi hỏi sự kết hợp giữa phân tích dữ liệu đa chiều và mô hình dự báo dựa trên AI, học máy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong kiểm toán không phải là một lựa chọn - đó là yêu cầu sống còn để xây dựng nền quản trị hiện đại, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: "Chuyển đổi số phải trở thành DNA trong mọi hoạt động của hệ thống công quyền". Vì vậy, ngành kiểm toán cần có những hành động cụ thể hơn nữa nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI.

Trong thời gian tới, KTNN cần tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số với các thành phần cốt lõi là hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng kiểm toán số xử lý các hệ thống nghiệp vụ, nền tảng phân tích và dự báo thông minh, hệ thống quản trị và giám sát thông minh, năng lực cán bộ và sự nhiệt huyết; đánh giá tác động của nó đến quy trình kiểm toán truyền thống; và đề xuất phương pháp triển khai hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mike Suffield - Giám đốc Chính sách và nghiên cứu chuyên sâu ACCA toàn cầu - khẳng định kiểm toán công ngày nay không chỉ dừng lại ở việc kiểm toán tuân thủ, mà mục tiêu lớn hơn là đảm bảo nguồn lực công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, mang lại giá trị lâu dài. Thông qua việc ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực thể chế và duy trì các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, ngành kiểm toán Việt Nam có thể đóng vai trò tiên phong trong xây dựng nền tài chính công bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ tầm quan trọng của ngành kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế và thích ứng với sự thay đổi toàn cầu, từ đó khẳng định vai trò quan trọng của kiểm toán công. Hội thảo cũng chia sẻ và phân tích các bài học trong nước và quốc tế đối với việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán để áp dụng hiệu quả vào bối cảnh Việt Nam. Từ đó đề xuất định hướng và các giải pháp xây dựng chiến lược phát triển ngành kiểm toán của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ trong môi trường toàn cầu...
Hội thảo không chỉ là một sự kiện chuyên môn, mà còn là diễn đàn kết nối giữa khu vực công, giới học thuật, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức nghề nghiệp - nhằm thúc đẩy chia sẻ tri thức, tăng cường liên kết và đề xuất các giải pháp đổi mới toàn diện trong kiểm toán công. Sự kiện cũng thể hiện vai trò tiên phong của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - KTNN trong việc định hình tư duy kiểm toán mới: kết nối kiến thức, đổi mới tư duy và lan tỏa tinh thần chuyển đổi số tới toàn ngành KTNN./.