Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả các mặt hàng
Tài chính - Ngày đăng : 10:12, 22/05/2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.
Qua thảo luận, đa số ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến động khó lường, đặc biệt là Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam cần tăng cường phát huy nội lực trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường tiêu dùng trong nước. Việc này cũng là góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ trên 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng lên đến hai con số.
Theo đại biểu, thực tế việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT trong thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động cũng như góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay chưa có đánh giá về việc giảm thuế GTGT đến tiêu thụ hàng hóa như thế nào để có những đề xuất, kiến nghị tiếp theo cho việc thực hiện chính sách về thuế.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT đến hết năm 2026. Việc giảm thuế không nên chỉ áp dụng ở một số mặt hàng mà nên mở rộng trên tất cả hàng hóa.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, việc giảm 2% thuế suất GTGT không nên chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng mặt hàng, thúc đẩy việc bán buôn, bán lẻ mà cần áp dụng cho tất cả các mặt hàng, trong đó có sản phẩm công nghệ, viễn thông...
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề xuất mở rộng danh mục ngành được hưởng ưu đãi giảm thuế GTGT với ngành công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo; y tế tư nhân.
Theo đại biểu, hiện ngành công nghệ thông tin chưa nằm trong diện được giảm thuế GTGT, trong khi đây là lĩnh vực then chốt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Việc giảm thuế sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ và gia tăng năng suất trong nền kinh tế.
Với ngành giáo dục và đào tạo, dù một số dịch vụ giáo dục được miễn thuế, nhưng nhiều chương trình đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ vẫn đang chịu mức thuế 10%. Giảm thuế cho các dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các dịch vụ y tế tư nhân vẫn phải chịu thuế GTGT 10%, làm tăng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân. Việc điều chỉnh giảm thuế cho lĩnh vực này sẽ khuyến khích đầu tư xã hội hóa vào y tế và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, nhất là tại khu vực còn hạn chế về hạ tầng.

Bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Trước đây, mỗi lần Chính phủ trình đưa ra thời gian áp dụng chỉ có 6 tháng, rất nhiều đại biểu cho rằng với thời gian ngắn như vậy thì không đủ để hấp thụ chính sách. Tuy nhiên, lần này, với đề xuất 1,5 năm thì việc hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng thuận lợi, việc tổ chức thực hiện cũng ổn định hơn” - đại biểu Lê Minh Nam nói.
Đại biểu cũng cho hay, việc giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước so với không giảm khi tính trên khối lượng tiêu thụ dự kiến. Tuy nhiên, nếu chính sách này kích cầu làm tăng quy mô tiêu thụ thì lại tăng thu ngân sách do tăng khối lượng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn cần quản trị tổng thể để áp dụng đồng bộ các giải pháp, vừa giảm thuế để kích thích tiêu dùng từ đó kích thích sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng đồng bộ với chính sách khác để tạo xung lực mang lại hiệu quả tích cực hơn./.