Gỡ vướng trong giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 14:16, 22/05/2025

Giải ngân dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp gặp khó
Sau nhiều lần trễ hẹn, tháng 4 vừa qua, Hồ Krông Pách Thượng - công trình thủy lợi đa mục tiêu lớn nhất Tây Nguyên - chính thức khánh thành, mở ra kỳ vọng phát triển nông nghiệp bền vững. Với tổng mức đầu tư hai giai đoạn lên đến 5.536 tỷ đồng, Dự án đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai. Đây là một trong số ít dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp do Bộ NNMT quản lý được hoàn thành trong nửa đầu năm nay kể từ khi sắp xếp Bộ, đồng thời cho thấy công tác giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai dự án đang gặp nhiều thách thức.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ NNMT), tổng số vốn Bộ được giao năm 2025 là 23.381 tỷ đồng, Bộ đã phân bổ 20.786 tỷ đồng cho các dự án. Đến ngày 09/4/2025, Bộ đã giải ngân 2.141,8 tỷ đồng (đạt 9,2% số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 10,3% số vốn đã phân bổ).
Lí giải nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ NNMT) cho biết, do quá trình sắp xếp, sáp nhập giữa hai Bộ cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn, khi hai cơ quan phải thống nhất lại đầu mối; thay đổi nhân sự phụ trách; cũng như hoàn thiện các thủ tục phối hợp, bàn giao có liên quan. “Dù muốn đẩy nhanh, nhưng quy trình, thủ tục vẫn phải tuân thủ, nhất là các điều kiện để giải ngân vốn” - lãnh đạo Vụ cho biết, đồng thời nhấn mạnh năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn trung hạn, số vốn được giao lại rất lớn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ NNMT) Nguyễn Hoài Nam cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công liên quan đến ngành này đều do cấp huyện triển khai, trong khi thời gian tới các địa phương tiếp tục sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện nên phần nào ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng nói chung, trong đó các dự án của ngành nông nghiệp. “Một số dự án nếu không quyết liệt có thể không đáp ứng yêu cầu tiến độ” - lãnh đạo Cục cho biết.
Mặt khác, đặc thù của các dự án nông nghiệp, đó là công tác thi công phải hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng tới sản xuất, mùa vụ, nên có nhiều thời điểm việc thi công dự án phải điều chỉnh theo kế hoạch sản xuất. Trong khi đó, nhiều dự án phải thực hiện nhiều thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; quy trình xin ý kiến các Bộ, ngành dẫn đến mất nhiều thời gian ngay từ khâu thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, xin ý kiến nhà tài trợ (đối với dự án ODA) càng phức tạp hơn… Ngoài ra, việc đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí cũng đưa đến tâm lý sợ sai, không mạnh dạn làm hoặc làm cầm chừng để ngóng sắp xếp - đây cũng là những yếu tố chủ quan được Bộ nhận diện, từ đó có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Đẩy nhanh giải ngân vốn, gắn với phòng, chống lãng phí, tiêu cực
Xác định đầu tư công là động lực quan trọng giúp thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác, lãnh đạo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết, với vai trò là đơn vị quản lý, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh công tác này, trong đó ưu tiên các dự án, công trình hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện trong khi cấp huyện đang được giao trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. “Quá trình sắp xếp ít nhiều sẽ gây khó khăn, đặc biệt trong việc thực hiện kịp thời các quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp nhằm hạn chế tối đa tác động này” - lãnh đạo Cục lưu ý.
Trên cơ sở nhận định tình hình giải ngân vốn còn khó khăn, tiến độ triển khai dự án còn chưa đạt yêu cầu, Bộ NNMT đã kịp thời đưa ra giải pháp để cải thiện tình trạng này, cũng như đề xuất điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, đầu tư, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, ngay sau khi hai Bộ hoàn tất hợp nhất, Bộ NNMT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố và chủ đầu tư các dự án hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư công.
Trên cơ sở đánh giá về nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2025 (sau khi hợp nhất), Bộ NNMT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính rà soát khả năng giải ngân năm 2025 đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm kế hoạch vốn năm 2025 của Bộ là 3.850,4 tỷ đồng (bao gồm số vốn chưa phân bổ là 2.595,4 tỷ đồng và giảm số vốn đã phân bổ là 1.255 tỷ đồng). Mặt khác, lãnh đạo Bộ đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được phân bổ vốn. Quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công, song lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, không vì mục tiêu tiến độ mà chủ đầu tư bỏ qua quy trình, quy định; nghiêm cấm để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai dự án. Do đó, “Bộ đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa, sai sót trong triển khai đầu tư” - Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến cho biết.
Theo đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng như yêu cầu các đơn vị chức năng theo sát công tác chuẩn bị đầu tư của từng dự án, song hành thẩm tra, thẩm định ngay từ đầu với chủ đầu tư; giám sát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng. Định kỳ hằng quý đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra, kiểm toán làm việc với các chủ đầu tư về từng dự án, qua đó đã kịp thời phát hiện và hạn chế tối đa các sai sót trong triển khai đầu tư, cũng như tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí./.