Tăng trưởng và nhân sự chất lượng là nền tảng của doanh nghiệp thịnh vượng

Đầu tư - Ngày đăng : 11:45, 08/03/2019

(BKTO) - Tuy được đánh giá, xếp hạng trong Top 500 Doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng (BP500) năm 2019 nhưng các doanh nghiệp vẫn nhận thấy 5 thách thức lớn đối với tiềm năng tăng trưởng, triển vọng phát triển thành các “đại gia” của nền kinh tế.


Tăng trưởng doanh thu là mục tiêu chính của doanh nghiệp

Trong đó, vấn đề về nguồn nhân lực nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây. Qua số liệu khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam tháng 02/2019, có hơn 57% doanh nghiệp BP500 đánh giá “Tuyển dụng và giữ chân nhân sự” là một trong những thách thức bên trong lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014- 2018. Những thách thức về quản lý dòng tiền, quản trị doanh nghiệp... cũng gây ra khó khăn nhất định cho doanh nghiệp; bên cạnh các rào cản đến từ bên ngoài như: chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, các thủ tục hành chính...
                
   

Top 5 thách thức bên trong đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018

   
Theo chia sẻ của 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận tiếp tục là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, để ứng phó với các thách thức trên, các doanh nghiệp BP500 năm 2019 đã xác định Top 3 chiến lược tăng trưởng chủ đạo là: Cải thiện chất lượng đội ngũ quản lí (60,7%), Tăng năng suất (57,1%), và Phát triển các dòng sản phẩm/dịch vụ mới (50%).
                
   

Top 4 chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018

   
Ngoài ra, trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và mở rộng hội nhập với thị trường quốc tế, thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ, gia nhập thị trường mới, hợp tác với nhà đầu tư chiến lược hay thực hiện hoạt động M&A... cũng là những quyết sách mà doanh nghiệp lựa chọn thực thi để tăng trưởng và phát triển.

Kết quả khảo sát trên cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thịnh vượng đều nhận thức và đánh giá rất cao vai trò của tăng trưởng và tính cấp thiết của vấn đề nhân sự. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển, bởi sự giàu có về vật chất và sự ổn định về đội ngũ nhân lực là nền tảng cho mọi chiến lược, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gay gắt.

Chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Trong các yếu tố đánh giá sự thịnh vượng của một doanh nghiệp, bên cạnh các nhóm chỉ số tài chính (tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỉ suất sinh lời...), chỉ số nhân lực (số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động...) thì ý thức về trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR) cũng là một nhân tố quan trọng được xem xét khi xếp hạng BP500.
                
   

Top 5 vấn đề xã hội quan trọng nhất mà doanh nghiệp đã góp phần giải quyết

   
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp BP500 năm 2019 đã quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Cụ thể, các vấn đề: hỗ trợ cộng đồng địa phương, thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động môi trường, giảm tỉ lệ thất nghiệp và chăm sóc sức khỏe đã được DN tích cực giải quyết trong năm qua.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đồng thời nhận diện nhiều khó khăn, thách thức thường gặp phải khi thực hiện CSR, điển hình như nhận thức về CSR mới dừng lại ở hoạt động tài trợ (52%), thiếu ngân sách (36%), thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ (32%), không được lan truyền trên truyền thông (24%)...
                
   

Top 4 khó khăn, thách thức doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện CSR

   
Điều này cũng cho thấy một phần sự quan tâm và đầu tư cho các hoạt động CSR từ phía chính quyền trung ương đến địa phương và chính các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với vai trò quan trọng của CSR trong việc cải thiện đời sống xã hội và chưa khai thác được tối ưu tiềm năng đóng góp của khối doanh nghiệp.

Những kết quả trên được Vietnam Report thực hiện khảo sát trong tháng 02/2019 và công bố vào chiều 07/03 đồng thời với việc công bố danh sách Top 500 Doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2019.

Top 10 doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng được vinh danh là: Công ty TNHH MTV Thông tin M3; Công ty TNHH nước sạch Hà Nội; Công ty cổ phần cao su Phước Hòa; Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế; Công ty TNHH nhà thép PEB; Công ty cổ phần tôn mạ VNSTEEL Thăng Long; Công ty cổ phần cảng Sài Gòn; Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng hoàng xanh A&A; Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC; Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam.
                
   

Lễ tôn vinh các doanh nghiệp trong BP500 năm 2018

   
Với mục đích ghi nhận và tôn vinh sự đóng góp của khối doanh nghiệp, Bảng xếp hạng BP500 được thực hiện với kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều động lực và tự tin hơn nữa để tận dụng các cơ hội kinh doanh hiệu quả, qua đó khẳng định cho nỗ lực khát khao vươn lên trở thành những doanh nghiệp lớn trong cộng đồng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

PHÚC KHANG