Tăng cường thanh tra, kiểm toán để minh bạch hóa các khoản kinh phí cho lễ hội
Đối nội - Ngày đăng : 09:10, 11/03/2019
(BKTO) - Trong bối cảnh “bội thực” lễ hội hiện nay, vấn đề minh bạch trong quản lý, tổ chức và sử dụng kinh phí đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến đề xuất cần tăng cường thanh tra, kiểm toán đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là nguồn chi, nguồn thu từ tổ chức lễ hội (gọi chung là kinh phí lễ hội).
“Bội thực” lễ hội và những bất cập từ thực tế
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tại nước ta, hơn 8.000 lễ hội được tổ chức mỗi năm. Các hoạt động này, một mặt truyền tải thông điệp ý nghĩa về lịch sử, cội nguồn, văn hóa gắn với các địa phương, dân tộc của người Việt, nhưng mặt khác đang trở thành lực cản của nền kinh tế. Lễ hội thường diễn ra sau Tết Nguyên đán và tập trung chủ yếu vào mùa xuân nên dễ làm ảnh hưởng đến quá trình trở lại làm việc của người lao động; hiện tượng công chức đi lễ hội trong giờ hành chính thời gian qua cũng liên tục được báo chí phản ánh... Đáng chú ý hơn, số lượng lễ hội được tổ chức hằng năm rất lớn, song công tác tổ chức, quản lý kinh phí chưa thật sự quy củ, minh bạch gây ra nhiều ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Sở VH-TT&DL Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác quản lý lễ hội tại một số di tích nổi tiếng - Ảnh tư liệu
Nhận thấy những bất cập này, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội sử dụng NSNN, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng chưa được Bộ VH-TT&DL, các địa phương có lễ hội báo cáo. Bên cạnh đó, nguồn thu từ tổ chức lễ hội (tiền công đức, phí...) hầu hết không được công khai.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch khoản thu từ việc tổ chức lễ hội; chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội phải thông báo bằng văn bản về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, tuy nhiên, thực tế mức độ công khai nguồn tiền này tại các địa phương rất khác nhau và nhìn chung là rất hạn chế.
Quy định quản lý còn chồng chéo, thiếu cụ thể
Theo Bộ VH-TT&DL, việc quản lý, sử dụng kinh phí lễ hội hiện nay chủ yếu do địa phương thực hiện. Trong khi việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích còn chưa thống nhất, vẫn có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý (UBND xã, Ban quản lý di tích, công ty khai thác dịch vụ); việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích của từng địa phương cũng khác nhau. Điều này khiến công tác quản lý trở nên chồng chéo, trong đó có việc quản lý tiền công đức, kinh phí tổ chức lễ hội...
Ủng hộ việc tăng cường giám sát để công khai, minh bạch kinh phí lễ hội, GS,TSKH. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho rằng, Bộ VH-TT&DL, các địa phương tổ chức lễ hội phải có trách nhiệm công khai các nguồn tiền trên. “Người dân không chỉ trông chờ vào địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa, mà các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán cần thay người dân làm sáng tỏ các nguồn tiền này” - ông Thanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, việc tổ chức kiểm toán lễ hội, nhất là các lễ hội cấp quốc gia là cần thiết. “Chúng ta cần công khai cho nhân dân biết, cũng như khẳng định quyết tâm tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ” - ông Phan Trung Lý nói.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc, việc công khai tài chính lễ hội qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đang gặp nhiều khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý cũng như các quy định quản lý còn chung chung, vì liên quan đến lĩnh vực tôn giáo. Nêu cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng tiền công đức, ông Phúc cho biết, Chỉ thị số 16/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quy định rõ: “Mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức”. Nhưng thực tế, hầu như các di tích đều thực hiện sai quy định. “Bất cập này bắt nguồn từ việc thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý tiền công đức” - ông Phúc nói và cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm có quy định về quản lý các nguồn kinh phí lễ hội nói chung, từ đó tạo hành lang pháp lý để cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào cuộc.
Trong khi đó, một kiểm toán viên của KTNN chuyên ngành III (đơn vị phụ trách kiểm toán lĩnh vực VH,TT&DL) cho biết, chức năng của KTNN là đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị, do đó, để thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí trước, trong và sau lễ hội đòi hỏi phải dựa trên các văn bản pháp lý gắn với các quy định quản lý cụ thể.
Dẫn Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội làm ví dụ, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định mới đề cập đến yêu cầu giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng NSNN, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tổ chức lễ hội mà chưa đề cập cụ thể đến vấn đề quản lý kinh phí lễ hội. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cụ thể hóa việc công khai kinh phí lễ hội. “Bản thân các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng cần lưu tâm đến nguồn thu, nguồn chi cho lễ hội trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm toán” - GS,TSKH. Tô Ngọc Thanh lưu ý.
NGUYỄN LỘC