Kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP.HCM theo đề án của Chính phủ: Cần hành lang pháp lý đầy đủ để ngăn chặn ô nhiễm môi trường do túi ni lông
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:20, 11/03/2019
(BKTO) - Năm 2018, KTNN Việt Nam đã tiến hành cuộc kiểm toán hoạt động việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ. Lựa chọn thực hiện cuộc kiểm toán này, KTNN đã bám sát chủ đề của Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội năm 2018, trong đó xác định thực hiện 3 trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, cụ thể như sau: Mục tiêu số 11 - Phát triển đô thị an toàn và bền vững; Mục tiêu số 12 - Đảm bảo nền sản xuất bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm; Mục tiêu số 14 - Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Cuộc kiểm toán này là một minh chứng thể hiện cam kết mạnh mẽ của KTNN Việt Nam nói riêng, cộng đồng ASOSAI nói chung trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu. Kết quả của cuộc kiểm toán là “lời cảnh tỉnh” đối với toàn xã hội cần cấp thiết giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sớm chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ ra môi trường những túi ni lông khó phân hủy.
Nhìn nhận rõ nguy cơ đe dọa môi trường của túi ni lông
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM, khối lượng túi ni lông khó phân hủy bị thải bỏ ra môi trường trên địa bàn Thành phố năm 2008 khoảng 40 tấn/ngày; năm 2012 khoảng 50 - 70 tấn/ngày và khoảng 228 tấn/ngày năm 2017.
Túi ni lông khó phân hủy là loại túi ni lông thông thường và phổ biến trên thị trường. Với tính tiện dụng, giá bán thấp và mẫu mã đa dạng, túi ni lông đã và đang được sử dụng rộng rãi ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng bán lẻ… phát miễn phí túi ni lông cho người mua hàng. Hơn nữa, túi ni lông mỏng, rẻ tiền nên không được các đơn vị thu gom, tái chế. Trong khi đó, túi ni lông khi bị thải bỏ rất khó phân hủy trong môi trường (thời gian phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên khoảng 200 - 500 năm), gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt môi trường và kinh tế - xã hội.
Nhận thấy rõ nguy cơ của loại chất thải này, ngay từ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ: “Đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010 và tỷ lệ này là 65% vào năm 2020”.
Thực hiện Chiến lược này, ngày 11/4/2013, Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” (Đề án).
Đề án bao gồm 2 mục tiêu: Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, cụ thể đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% tại các chợ dân sinh so với năm 2010; Tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy, cụ thể đến năm 2020, thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, loại túi ni lông khó phân hủy có hại cho môi trường cần hạn chế sản xuất và sử dụng, là đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) 40.000 đồng/kg; các túi ni lông thân thiện với môi trường là loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 2 năm hoặc loại túi đáp ứng một số điều kiện khác, là đối tượng không chịu thuế BVMT và được khuyến khích sản xuất, sử dụng…
Kết quả 3 năm Thành phốHồ Chí Minh thực hiện Đề án của Chính phủ
Nhằm đánh giá việc thực hiện các giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ, từ ngày 12/9 - 05/11/2018, KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá việc lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, công tác quản lý thu thuế BVMT trên túi ni lông, công tác thông tin tuyên truyền, việc khuyến khích sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường trên địa bàn TP. HCM.
Thực hiện Đề án của Chính phủ, TP. HCM đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09/9/2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn (Chỉ thị 23), kèm theo đó là các giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án của Chính phủ từ năm 2014 đến năm 2017, báo cáo của Sở TN&MT TP. HCM nêu rõ: đối với mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông đến năm 2015: các siêu thị đạt mục tiêu giảm 78% so với năm 2010; đối tượng trung tâm thương mại không đạt mục tiêu giảm mà còn tăng 119%; đối tượng chợ dân sinh không đạt mục tiêu giảm mà còn tăng 11,7%. Đối với mục tiêu số 2 (Tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy), năm 2015, các công ty xử lý chất thải của TP. HCM đã thực hiện thu gom, tái chế khoảng 38 tấn/ngày; năm 2017 tăng lên 98,5 tấn/ngày. Tỷ lệ tái chế năm 2015 khoảng 15% và năm 2017 khoảng 38,5%.
Dự báo được TP. HCM đưa ra là đến năm 2020, đối tượng trung tâm thương mại và chợ dân sinh vẫn không đạt mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, nhưng mục tiêu thu gom, tái chế 50% tổng lượng chất thải ni lông trong sinh hoạt là có thể đạt được.
Chính sách của địa phương còn bất cập
Thực hiện Đề án của Chính phủ, TP. HCM đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị 23. Tuy nhiên, Chỉ thị chưa ban hành đầy đủ các giải pháp tài chính và nhân lực thực hiện; chưa tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ NSNN, các tổ chức, DN trong và ngoài nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; chưa đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị liên quan và báo cáo kết quả thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo; chưa giao nhiệm vụ cho Cục Hải quan là đơn vị đang có trách nhiệm kiểm tra và thu thuế BVMT đối với túi ni lông nhập khẩu trên địa bàn (số liệu của Cục Hải quan TP. HCM cung cấp cho Đoàn kiểm toán cho thấy, từ 2015-2017, số thuế BVMT thu được từ hàng hóa túi ni lông nhập khẩu là 4 - 8 tỷ đồng/năm, chiếm từ 10% - 20% tổng thu thuế BVMT trên địa bàn); sự phối hợp giữa các ban ngành, quận huyện chưa chặt chẽ; kế hoạch thông tin tuyên truyền của Sở TN&MT không đề ra mục tiêu cụ thể, gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả thực hiện và không phù hợp với Kế hoạch truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 (cuối năm 2017, Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2018 và 2020 liên quan đến việc giảm sử dụng túi ni lông nhưng Sở TN&MT TP. HCM không đưa mục tiêu hoặc lộ trình thực hiện mục tiêu này vào kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông năm 2018).
Bên cạnh đó, theo KTNN, việc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông tự phân hủy sinh học của TP. HCM chưa mang lại hiệu quả, từ khi Chỉ thị 23 có hiệu lực đến nay, không có dự án nào về sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường vay vốn ưu đãi.
Tiềm ẩn thất thu thuế Bảo vệ môi trường
Đáng chú ý, qua cuộc kiểm toán này, KTNN phát hiện vấn đề tiềm ẩn thất thu thuế BVMT do nhiều DN, hộ kinh doanh có sai phạm trong sản xuất, kê khai nộp thuế BVMT đối với túi ni lông qua nhiều năm nhưng các đơn vị chức năng chưa tiến hành kiểm tra, phát hiện kịp thời.
Cụ thể, các DN sản xuất túi ni lông khó phân hủy hầu hết không kê khai nộp thuế BVMT do tự xác định thuộc trường hợp sản xuất và bán bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không thuộc diện chịu thuế BVMT (tỷ lệ kê khai nộp thuế bình quân 1,73% trên tổng sản lượng sản xuất), trong đó một số trường hợp không đủ điều kiện bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, xác định chưa đúng tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa PE đã sử dụng.
Đề án và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến túi ni lông chưa đưa ra định nghĩa và phân loại rõ về túi ni lông khó phân hủy cần hạn chế sử dụng, do đó, các văn bản của TP. HCM liên quan đến việc thực hiện Đề án không làm rõ được túi ni lông khó phân hủy là đối tượng cần hạn chế bao gồm hay không bao gồm những loại túi có chất liệu Polyetylen (PE) được sử dụng làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, loại túi ni lông làm từ chất liệu khác như: túi Polypropylen (PP), Poly Amid (PA), Polyvinylclorua (PVC).., túi ni lông xuất khẩu, túi ni lông nhập khẩu, túi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông công nghiệp. Từ đó gây khó khăn cho công tác chỉ đạo thực hiện, khảo sát, phân tích và đánh giá. |
Hơn nữa, công tác khoán thuế (trong đó có thuế BVMT đối với túi ni lông) của các hộ kinh doanh chưa phù hợp, chưa chính xác, việc điều tra doanh thu khoán chưa bao quát được đầy đủ hoạt động kinh doanh của hộ: có trường hợp số kê khai nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với số thực tế sản xuất và tiêu thụ; nhiều trường hợp có tổng doanh thu khoán thuế thấp hơn chi phí tiền điện, cá biệt có trường hợp thấp hơn 8,5 lần; số thực tế khoán thuế thấp hơn biên bản điều tra doanh thu... Qua phỏng vấn hộ kinh doanh cho thấy, sản phẩm túi ni lông khó phân hủy vẫn được tiêu thụ rất nhiều, giá bán bình quân chỉ 26.000 đồng/kg, thấp hơn mức thuế BVMT 40.000 đồng/kg phải nộp…
Qua thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT TP. HCM, số lượng túi ni lông khó phân hủy sản xuất trên địa bàn TP. HCM năm 2017 là 16.000 tấn. Ước tính mới nhất của Sở TN&MT năm 2017 dựa trên kết quả khảo sát 6 quận năm 2015, khối lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường của TP. HCM là 80.000 tấn/năm, trong đó túi ni lông khó phân hủy là 77.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Cục Thuế, số thuế BVMT thu được năm 2017 là 34,5 tỷ đồng, tương đương 860 tấn túi ni lông khó phân hủy thuộc diện chịu thuế (có chất liệu PE). Như vậy, số thống kê của 2 cơ quan quản lý là khác nhau và chênh lệch rất lớn, gấp từ 19 đến 90 lần. Theo KTNN, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phân tích con số chênh lệch trên, trong đó có yếu tố số liệu sản xuất và thải bỏ túi ni lông khó phân hủy của Sở TN&MT không làm rõ những loại túi ni lông PE dạng bao bì đóng gói, túi ni lông xuất khẩu, túi ni lông làm từ chất liệu khác PE. Tỷ trọng thuế BVMT từ túi ni lông trong tổng số thuế BVMT, số thuế BVMT và số lượng DN, hộ kinh doanh có kê khai và nộp thuế BVMT từ 2014-2017 tại TP. HCM có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2014 có 70 DN và 26 hộ kinh doanh, đến năm 2017 giảm xuống còn 36 DN và 21 hộ kinh doanh).
Tuy nhiên, lượng sản xuất túi ni lông khó phân hủy của một số DN lại có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Số liệu thống kê 38 DN sản xuất túi ni lông cho thấy, năm 2014, sản lượng xuất bán túi ni lông có chất liệu PE của các DN là 22.938 tấn, năm 2017 là 33.376 tấn, tăng tới 46%. Đồng thời, số lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường ngày càng tăng mạnh. Số lượng túi ni lông nhập khẩu cũng tăng mạnh sau 4 năm (từ 63,8 tấn năm 2014 lên 219,8 tấn năm 2017). Số lượng nguyên liệu hạt nhựa và phế liệu nhựa có thể dùng để sản xuất túi ni lông khó phân hủy nhập khẩu trên địa bàn TP. HCM cũng tăng 65% sau 4 năm.
Theo KTNN, nguyên nhân có thể do phần lớn số lượng túi ni lông PE sản xuất của các DN theo kê khai là để đóng gói sẵn sản phẩm (đối tượng không chịu thuế BVMT), các DN đang dần di dời cơ sở sản xuất sang các tỉnh lân cận nhưng vẫn chuyển sản phẩm về Thành phố tiêu thụ, một nguyên nhân nữa có thể là do chưa quản lý được đầy đủ các cơ sở sản xuất túi ni lông chịu thuế BVMT.
Các văn bản quy định đối với túi ni lông còn bất cập, chưa đồng bộ
KTNN đánh giá, các văn bản hướng dẫn Luật Thuế BVMT quy định người sản xuất/người nhập khẩu chỉ cần có văn bản cam kết để đóng gói sẵn hàng hóa do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói thì không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Nhưng hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra việc thực hiện cam kết đóng gói hàng hóa của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dẫn tới có khách hàng mua túi, bao bì sử dụng để đựng hàng hóa khi bán hàng, mua để bán lại, mua về để lồng vào bên trong sản phẩm bao bì dệt của mình, tiêu dùng nội bộ,... nhưng vẫn cam kết về đóng gói sản phẩm. Qua đó cho thấy, khách hàng sẵn sàng ký cam kết trong khi không có hàng hóa, sản phẩm đóng gói nhằm mục đích DN, hộ kinh doanh (người bán) không phải nộp thuế BVMT.
Ngoài ra, loại túi ni lông chữ T (loại túi có thành túi, miệng túi, quai xách, có thể đựng sản phẩm trong đó) không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT do không có đáy túi. Trên thực tế, các sản phẩm trên đang được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt (dùng đựng các loại ly trà sữa, cà phê, nước ép, sinh tố...) và thải bỏ trực tiếp ra môi trường.
KTNN cũng chỉ ra rằng, Đề án và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến túi ni lông chưa đưa ra định nghĩa và phân loại rõ về túi ni lông khó phân hủy cần hạn chế sử dụng, do đó, các văn bản của TP. HCM liên quan đến việc thực hiện Đề án không làm rõ được túi ni lông khó phân hủy là đối tượng cần hạn chế bao gồm hay không bao gồm những loại túi có chất liệu PE được sử dụng làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, loại túi ni lông làm từ chất liệu khác như: túi PP, PA, PVC.., túi ni lông xuất khẩu, túi ni lông nhập khẩu, túi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông công nghiệp. Từ đó gây khó khăn cho công tác chỉ đạo thực hiện, khảo sát, phân tích và đánh giá.
KTNN cũng nêu rõ, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh túi ni lông, trước đây được quy định cụ thể tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 không có các quy định cụ thể đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông.
Qua kiểm toán, từ thực trạng và những bất cập trong cơ chế và điều hành, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng kiến nghị Bộ TN&MT và Cục Thuế TP. HCM thanh tra, xử lý các đơn vị vi phạm; kiến nghị UBND TP. HCM thực hiện và chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành.
Ngoài ra, KTNN kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP với chế tài xử lý cụ thể những vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông, cũng như ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet theo Đề án của Chính phủ. Bộ cũng cần xem xét bổ sung quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT về tỷ lệ thu hồi tái chế và điều kiện bắt buộc phải thực hiện kế hoạch thu hồi tái chế đối với các DN sản xuất túi ni lông. Đối với Bộ Tài chính, KTNN kiến nghị cần tham mưu trình Chính phủ sửa đổi quy định về bao bì sử dụng để đóng gói sản phẩm thuộc đối tượng phải nộp thuế BVMT để tránh thất thu thuế và khuyến khích sử dụng các túi ni lông thân thiện môi trường, cũng như bổ sung đầy đủ đối tượng chịu thuế BVMT đối với các loại túi ni lông khó phân hủy chưa thuộc diện chịu thuế…
Những vấn đề đặt ra sau cuộc kiểm toán
Cuộc kiểm toán việc thực hiện một số giải pháp giảm sử dụng túi ni lông được KTNN thực hiện mới chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương (TP. HCM), nên chưa bao quát được hết những vấn đề trên phạm vi toàn quốc, chưa kiểm toán những giải pháp thuộc về mục tiêu thu gom tái chế nhưng qua kiểm toán cũng đã phát hiện một số hạn chế trên cấp độ toàn quốc như không có một định nghĩa rõ ràng về túi ni lông khó phân hủy gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện, các lỗ hổng chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật… Cuộc kiểm toán kết thúc đặt ra nhiều câu hỏi mở, nhiều băn khoăn chưa được giải đáp.
Thứ nhất, liệu túi ni lông tự phân hủy sinh học, là đối tượng được khuyến khích, có thực sự thân thiện với môi trường không, trong khi thành phần của túi ni lông vẫn là 90 - 99% là hạt nhựa PE giống như túi ni lông khó phân hủy và 1 - 10% là chất xúc tác “phân hủy sinh học”.
Thứ hai, Việt Nam ngày càng siết chặt quản lý túi ni lông. Về mặt thuế BVMT đã điều chỉnh tăng từ 40.000 đồng/kg lên đến 50.000 đồng/kg trong năm 2019 theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cách tiếp cận có sự thay đổi từ giảm sử dụng và tăng cường thu gom tái chế đến cấm sản xuất, nhập khẩu và sử dụng theo lộ trình (Chiến lược quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050). Tuy nhiên, Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đảm bảo những quy định trên đi vào thực tiễn? Qua cuộc kiểm toán tại TP. HCM, vấn đề nổi cộm không phải là mức thuế BVMT cao hay thấp (thực tế mức thuế trước đó 40.000 đồng/kg đã là rất cao và cao hơn giá bán thực tế trên thị trường) mà là có quản lý, thu được đầy đủ thuế hay không? Do hiện tại chưa có định nghĩa và phân loại rõ ràng về túi ni lông khó phân hủy, công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng trong chính sách quản lý túi ni lông nên dù giảm sử dụng hay cấm hẳn cũng khó đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường do cách hiểu khác nhau giữa các địa phương trên cả nước, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường là không có ranh giới hành chính.
Thứ ba, vấn đề lớn hiện nay là ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa dùng một lần bao gồm: thìa, dĩa, chén, cốc nhựa, ống hút, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn, túi ni lông khó phân hủy. Năm 2015, Tạp chí Khoa học và một số tạp chí danh tiếng khác đã đưa Việt Nam vào danh sách 5 nước thải rác nhựa nhiều nhất ra biển (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, và Sri Lanka). Các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về phạm vi đối tượng khi chỉ tập trung vào túi ni lông khó phân hủy. Riêng với đối tượng túi ni lông khó phân hủy, đối tượng chịu thuế BVMT chỉ tập trung vào túi ni lông mua hàng làm từ chất liệu PE, bỏ qua túi ni lông làm từ các chất liệu khác như PA, PP, PVC, bỏ qua túi ni lông để làm bao bì đóng gói và các loại túi có hình dạng khác. Như vậy, ngay cả khi các văn bản quy phạm pháp luật được thực thi đầy đủ vẫn khó giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm nhựa. Do đó, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Việt Nam đã có phương hướng như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Vấn đề lớn hiện nay là ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa dùng một lần bao gồm: thìa, dĩa, chén, cốc nhựa, ống hút, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn, túi ni lông khó phân hủy. Năm 2015, Tạp chí Khoa học và một số tạp chí danh tiếng khác đã đưa Việt Nam vào danh sách 5 nước thải rác nhựa nhiều nhất ra biển (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, và Sri Lanka). Các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về phạm vi đối tượng khi chỉ tập trung vào túi ni lông khó phân hủy. Riêng với đối tượng túi ni lông khó phân hủy, đối tượng chịu thuế BVMT chỉ tập trung vào túi ni lông mua hàng làm từ chất liệu PE, bỏ qua túi ni lông làm từ các chất liệu khác như PA, PP, PVC, bỏ qua túi ni lông để làm bao bì đóng gói và các loại túi có hình dạng khác. Như vậy, ngay cả khi các văn bản quy phạm pháp luật được thực thi đầy đủ vẫn khó giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm nhựa. |
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019