Sắp xếp hệ thống trường sư phạm cần xuất phát từ nhu cầu

Xã hội - Ngày đăng : 10:45, 11/03/2019

(BKTO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại buổi Tọa đàm "Báo cáo luận cứ khoa học và phương án sắp xếp lại các trường sư phạm" diễn ra ngày 10/3 tại Hà Nội.


Tọa đàm do Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên tổ chức. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học và đại diện Ngân hàng Thế giới.

GS.TS Phạm Hồng Quang- Giám đốc Đại học Thái Nguyên- Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” cho biết, hiện nay cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dàn trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc tồn tại nhiều trường đào tạo sư phạm trong bối cảnh hiện nay cũng gây ảnh hưởng không tốt đến công tác đào tạo ngành này, hệ lụy là tình trạng sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm tăng.

Thực trạng này cho thấy sự cấp thiết phải sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm góp phần làm tăng hiệu quả đào tạo giáo viên cũng như công tác quản lý các trường sư phạm được tốt hơn, trong đó có việc nâng cao dự báo cung- cầu trong đào tạo giáo viên…
                
   

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm.

   
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, quá trình sắp xếp các trường sư phạm mà không tính đến “cầu” là thua”. Theo Bộ trưởng, vấn đề sắp xếp các trường sư phạm không phải mới nhưng sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây “sốc” là việc phải tính toán, trong đó điểm xuất phát phải từ nhu cầu. “Chúng ta phải tính xem, 5 năm, 10 năm nữa quy mô giáo dục sẽ ra sao, cần bao nhiêu giáo viên để đáp ứng quy mô giáo dục, sau đó mới quay trở lại bài toán sắp xếp trường sư phạm bằng những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể. Đó là bài toán ngược từ cầu đến cung” - Bộ trưởng Nhạ lưu ý.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu cần đi sâu một số nội dung quan trọng như nguyên tắc sắp xếp mạng lưới, mô hình đào tạo, phân cấp quản lý nhà nước về đào tạo giáo viên, việc hình thành các trường đại học sư phạm trọng điểm, dự báo cung- cầu trong đào tạo giáo viên…

Tin và ảnh: ĐỨC THỊNH