Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
Đối nội - Ngày đăng : 22:05, 11/03/2019
(BKTO) - Sáng 11/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 32. Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.
Toàn cảnh phiên khai mạc Phiên họp thứ 32- Ảnh: Q. Khánh |
UBTVQH cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, sau 03 năm thực hiện, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tại Phiên họp- Ảnh: Q. Khánh |
Mặt khác, qua quá trình tổng kết 3 năm thi hành Luật cho thấy, nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bộc lộ những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như: phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan…
Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường, công nghệ thông tin và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, áp dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Luật KTNN được sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác có liên quan.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh,với mục đích đó, quan điểm sửa đổi Luật là thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN; đảm bảo tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN; phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước; kế thừa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; đảm bảo sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của KTNN phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Quán triệt mục đích, quan điểm trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung liên quan đến: đơn vị được kiểm toán; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện giám định tài chính, tài sản đối với những vấn đề liên quan theo đề nghị của cơ quan tố tụng; bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định về thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước; quy định về thời hạn của cuộc kiểm toán; quy định về thời gian lập và gửi báo cáo của cuộc kiểm toán; quy định việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động của KTNN; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; bổ sung quy định về trường hợp đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu xác định cố ý bao che, bỏ qua sai phạm.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; bổ sung việc thực hiện đối chiếu, xác minh theo quy định của Luật PCTN; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; việc bổ nhiệm ngạch kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch…
Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định 2 nội dung trọng tâm cần tập trung sửa đổi, bổ sungtrong Luật KTNN. Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và KTNN.
Đối với nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy của KTNN, Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14 đã giao KTNN xây dựng Đề án về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các cơ quan của KTNN, giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật đôn đốc việc chuẩn bị và thẩm tra Đề án báo cáo UBTVQH. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất không sửa đổi nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy của KTNN khi sửa đổi, bổ sung Luật lần này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp- Ảnh: Q. Khánh |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực của KTNN trong xây dựng Dự án Luật, nhằm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Bày tỏ nhất trí với quan điểm trong Tờ trình của KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tuy Luật KTNN mới có hiệu lực được 3 năm song cần sửa đổi, bổ sungđể bảo đảm thực hiện cho được yêu cầu là tránh chồng chéo, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, KTNN là một chế định độc lập, hoạt động chỉ tuân theo pháp luật, do Quốc hội thành lập và đã được quy định trong Hiến pháp. Thời gian qua KTNN đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu chúng ta muốn hoạt động của KTNN lớn mạnh, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo cho KTNN đủ quyền hạn, đủ điều kiện hoạt động theo đúng tính chất là một chế định độc lập, thì khi sửa đổi Luật cần xem xét, tiếp cận vấn đề trên góc độ của chế định độc lập. Nếu quy định của Dự thảo Luật đi từ gốc là địa vị pháp lý của KTNN là một chế định độc lập sẽ mang lại hiệu quả.
Đây cũng là quan điểm được một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ: KTNN là một nhánh thực thi quyền lực nhà nước. Với tư cách đó KTNN phải có đầy đủ công cụ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ của nó, là cơ quan kiểm tra, kiểm soát, tài chính, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật như: cân nhắc quy định về đơn vị được kiểm toán; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; quy định rõ hơn về đối tượng, phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…
Đa số các thành viên UBTVQH cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, quy định rõ thêm đối với một số nội dung và đưa ra các lập luận có tính thuyết phục cao hơn trước khi trình Quốc hội.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh, KTNN xin tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến thảo luận tại Phiên họp để tập trung nghiên cứu, chuẩn bị Dự án Luật để tiếp tục trình UBTVQH, Quốc hội cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dungthảo luận- Ảnh: Q. Khánh |
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, KTNN cần tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh lại hồ sơ theo đúng quy định; Ủy ban Tài chính - Ngân sách có ý kiến thẩm tra chính thức đảm bảo đủ điều kiện chất lượng để trình Quốc hội.
N. HỒNG