Mở ra hướng thăm dò dầu khí mới

Đầu tư - Ngày đăng : 08:45, 14/03/2019

(BKTO) - Sau hơn 6 năm kiên trì, bền bỉ, đầu năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đón dòng dầu đầu tiên (first oil) từ mỏ Cá Tầm. Mọi nỗ lực thực hiện khảo sát, khoan thăm dò thẩm lượng, đánh giá trữ lượng thương mại, đến lập kế hoạch phát triển mỏ và triển khai xây dựng giàn đầu giếng Cá Tầm 1 (CTC-1) đã được đền đáp xứng đáng. Hơn nữa, Dự án thành công còn giúp gia tăng sản lượng khai thác dầu khí năm 2019 thêm hơn 0,75 triệu tấn dầu, đóng góp đáng kể nguồn thu cho NSNN và lợi nhuận cho các nhà đầu tư (PVN, Vietsovpetro, PVEP và Bitexco).


“Cứu” sản lượng khai thác dầu khí đang suy giảm

Thành công của dự án Cá Tầm đến trong thời điểm PVN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khâu cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
                
   

Thử vỉa thành công tại mỏ Cá Tầm

   
Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và số lượng giếng khoan mới rất ít nên hệ số suy giảm sản lượng hằng năm giảm từ 15 tới hơn 30% tùy theo mỏ. Nhiều mỏ dầu có tỷ lệ ngập nước cao như: Bạch Hổ - Rồng, Rạng Đông - Phương Đông, Sư Tử Đen - Sư Tử Vàng... làm ảnh hưởng đến việc khai thác. Các mỏ khí có trữ lượng lớn như Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây cũng đều đã suy giảm sản lượng trong khi các nguồn khí tiềm năng lớn gặp nhiều khó khăn về tiến độ phát triển khai thác. Trong khi đó, nguồn vốn thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Mỏ Cá Tầm đi vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để PVN và các đơn vị duy trì ổn định sản lượng dầu khí và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò ra các lô mới. Lãnh đạo PVN chia sẻ, phát hiện ra mỏ là một niềm vui, nhưng để có thể đầu tư phát triển mỏ đưa vào khai thác thương mại trong điều kiện giá dầu thấp là một thách thức rất lớn. Thành công này có sự nỗ lực của Tổ hợp nhà thầu nghiêm túc thực hiện các cam kết trong Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 09-3/12; đặc biệt Vietsovpetro đã chủ động, tích cực tham gia tổ chức thực hiện Dự án ngay từ những ngày đầu trong vai trò Nhà điều hành.
                
   

Lãnh đạo PVN kiểm tra tại mỏ Cá Tầm tháng 01/2019

   
Một dấu ấn đặc biệt được Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm “bật mí”: Mỏ Cá Tầm có phần lớn trữ lượng nằm trong trầm tích Oligoxen D, đây là đối tượng lần đầu tiên có phát hiện dòng dầu thương mại trong khu vực trung tâm của Bồn trũng Cửu Long. Việc phát hiện dầu khí trong đối tượng này mở ra hướng thăm dò mới cho các DN, nhà thầu dầu khí.

Vượt gian nan về đích thành công
Trong giai đoạn xây dựng phát triển mỏ, PVN và Vietsovpetro đã gặp không ít thách thức. Trong đó, công tác mua sắm bị chậm do quy trình mua sắm vật tư quá phức tạp. Vietsovpetro chưa có quy trình chuyển đổi vật tư giữa Lô 09-1 và các Lô ngoài. Giá cả vật tư thiết bị tăng trong giai đoạn giá dầu phục hồi dẫn đến nhiều gói thầu vượt giá, phải điều chỉnh giá gói thầu và tổ chức đấu thầu lại.

Hơn nữa, một số nhà thầu trúng thầu đã từ chối cấp hàng hoặc không giao hàng đúng thời hạn và chấp nhận chịu phạt theo luật và hợp đồng đã ký. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết biển nửa cuối năm 2018 diễn biến bất thường, số ngày thời tiết xấu nhiều hơn các năm trước, các mốc tiến độ thi công trên biển quan trọng của dự án đều tiến hành trong quý IV/2018, là mùa biển động nên chịu nhiều tác động và rủi ro cao.
                
   

Giàn khoan của PVDrilling tại mỏ Cá Tầm

   
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và PVN, cùng bề dày kinh nghiệm và tiềm lực sẵn, Vietsovpetro đã cùng các nhà thầu phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện tốt các phần việc được giao, đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và tiết kiệm chi phí cho Dự án.

Song song với công tác xây lắp, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành công tác kết nối hoàn thiện các giếng khoan thăm dò/thẩm lượng CT-2X, 3X, 4X để kịp thời đưa vào khai thác từ thời điểm đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ. Đến nay, tại Lô 09-3/12, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành công tác khoan và thử vỉa các giếng thăm dò CT- 5X trong năm 2018 và CT-6X vào ngày 25/02/2019 vừa qua cho kết quả tốt với gia tăng trữ lượng thu hồi ước đạt 1,95 triệu tấn dầu, nâng tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm lên gần 11 triệu tấn dầu.

Theo Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm, kết quả này đã cho phép Tổ hợp nhà thầu tiếp tục xây dựng thêm các giàn đầu giếng trong thời gian tới và là tiền đề để thi công khoan giếng thăm dò CT-8X trong năm 2019.

Với trách nhiệm của một đối tác tham gia 30% quyền lợi tại dự án, PVEP cũng đã vượt qua nhiều khó khăn do suy giảm giá dầu để tích cực hợp tác cùng Nhà điều hành Vietsovpetro và đối tác Bitexco đảm bảo tiến độ đưa Dự án phát triển mỏ Cá Tầm đạt dòng dầu đầu tiên đúng kế hoạch.

Đánh giá về thành tích phát triển mỏ Cá Tầm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, phương án kết nối mỏ với cơ sở hạ tầng sẵn có của Lô 09-1 cụm mỏ Bạch Hổ đã giúp Dự án nhanh chóng đi vào khai thác chỉ sau 18 tháng xây dựng. Sau khi phát hiện mỏ Cá Tầm, Tổ hợp nhà thầu đã hoàn thiện nhanh các hồ sơ pháp lý, theo đó kế hoạch phát triển mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2017. Trong giai đoạn đầu tiên, Tổ hợp nhà thầu đã triển khai xây dựng giàn đầu giếng CTC-1 kết nối vào hệ thống hạ tầng có sẵn tại Lô 09-1 để đưa vào khai thác, đã cho dòng dầu đầu tiên vào đầu năm 2019 đúng theo kế hoạch.

Các chuyên gia dầu khí nhận định, việc Dự án mỏ Cá Tầm kết nối với hạ tầng từ cụm mỏ Bạch Hổ đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD phải bỏ ra đầu tư cho hạ tầng, làm tăng hiệu quả kinh tế cho Dự án.

QUỲNH ANH