Bình Thuận: Hỗ trợ người lao động tiếp cận thông tin và thị trường
Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 20/05/2025

Nâng cao chất lượng các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm điện tử
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2025 đến nay đã tư vấn nghề, tư vấn việc làm cho 5.382 lao động. Qua đó, đã giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho 650 người.
Trong đó, có 12 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp ở Bình Thuận đã gửi thông tin tuyển dụng lao động phổ thông để tuyển lao động, đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng. Thời gian qua, đã có 60 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với 1.547 chỗ việc làm.
Các thông tin về lao động, việc làm, chế độ chính sách, mức lương cũng được tập hợp và triển khai tuyển dụng, từ đó lan tỏa đến người lao động. Các phiên giao dịch việc làm cũng đã phát huy hiệu quả. Từ các phiên này, đã có gần 300 lao động các doanh nghiệp nhận hồ sơ. 140 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp học nghề được đào tạo nghề để có nghề nghiệp ổn định hơn.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng thêm các kết nối việc làm cho công nhân, lao động, thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm điện tử.
Đồng thời, thường xuyên đi cơ sở, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và tổ chức các Hội thảo chuyên đề tư vấn, giới thiệu các thị trường đi làm việc ở nước ngoài, cung ứng lao động ngoài tỉnh đạt hiệu quả.
Giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong thời gian qua, Trung tâm đã tuyển 7 trường hợp là người dân tộc thiểu số đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, có 01 trường hợp đã xuất cảnh, 6 trường hợp đang học nghề, học ngoại ngữ và chờ xuất cảnh.
So với các địa phương khác, tỉnh Bình Thuận có số đồng dân tộc thiểu số tham gia lao động ở nước ngoài rất ít, do còn khó khăn về nguồn vốn, chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo trước khi xuất cảnh, cùng với tâm lý ngại đi xa. Mặt khác, công tác tuyên truyền cho các đối tượng chưa sâu, việc cung cấp một số thông tin về thị trường lao động và các chính sách của một số công ty vẫn còn ít.
Theo Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Minh Tân, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị công ty tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc và thống nhất chi tiết kế hoạch để triển khai, thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 nhằm tạo điều kiện cho đồng bào xuất khẩu lao động và cũng là một giải pháp quan trọng giúp các hộ đồng bào tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, giàm nghèo bền vững.
Theo đó, để công tác đưa người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài đạt kết quả, các cơ quan đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác vận động tuyên truyền mà trước hết là tuyên truyền cho các em học sinh trường dân tộc nội trú, trường trung cấp nghề của tỉnh và một số địa bàn như Hải Ninh, Sông Luỹ, Sông Bình, Phan Tiến. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu để người nghe thấy được lợi ích của việc đi lao động ở nước ngoài.
Đối với việc hỗ trợ các chính sách đào tạo trước khi xuất khẩu, Sở Dân tộc và Tôn giáo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phân bổ trong kinh phí thực hiện Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.