Cập nhật quy định về KTNB và kinh nghiệm tổ chức chức năng KTNB hiệu quả tại công ty niêm yết

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 16/03/2019

(BKTO) - Nhằm mục đích phổ biến các quy định mới liên quan đến Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán tội bộ (KTNB) và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức KTNB tại các công ty niêm yết và công ty chứng khoán, sáng 15/3 tại Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phối hợp với Tổ chức đào tạo Smart Train, Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ khu vực châu Á- Thái Bình Dương (ACIIA) tổ chức Hội thảo “Cập nhật quy định về KTNB và kinh nghiệm tổ chức chức năng KTNB hiệu quả tại công ty niêm yết”.


                
   

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tổ chức KTNB tại công ty niêm yết - Ảnh: N.Ly

   
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh- Giám đốc điều hành Smart Train cho biết, việc nâng cao chất lượng nhân sự KTNB đang là thách thức rất lớn đối với DN khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về KTNB nhất là KTNB theo thông lệ và chuẩn quốc tế đang có sự thiếu hụt lớn. Vì vậy, các DN cần chú trọng công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng cho KTNB để đáp ứng yêu cầu cũng như mang lại lợi ích lâu dài, ổn định cho DN.

Tham luận về các điểm nổi bật trong Nghị định 05/2019/NĐ-CP về KTNB liên quan đến DN, bà Lê Thị Tuyết Nhung- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán- Kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 1/4/2019, Nghị định 05 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới ảnh hưởng trực tiếp đến người làm KTNB tại các DN, cụ thể như: nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB, các tiêu chuẩn người làm công tác KTNB, quy chế, quy trình, phương pháp thực hiện KTNB, trách nhiệm và quyền hạn của KTNB cũng như của các bên liên quan...

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kiểm toán tại các tập đoàn niêm yết ở Hong Kong, Trung Quốc, Mỹ và Anh, bà Helen Li Sum- Chủ tịch Hiệp hội ACIIA đã chia sẻ về những thách thức khi thiết lập chức năng KTNB tại các công ty niêm yết. Theo đó, vai trò KTNB tại các DN này đang bị hạn chế bởi nhận thức chưa đúng của ban lãnh đạo và chính bộ phận KTNB; vấn đề độc lập và khách quan; quy trình thực hiện còn thủ công, kiểm toán phân mảnh chỉ tập trung vào lịch sử giao dịch; thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là các chuyên gia có chuyên môn trong các ngành đặc biệt.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Hùng- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH PwC (Việt Nam) chỉ ra sáu trọng tâm DN cần lưu ý để triển khai thành công KTNB, bao gồm: các hoạt động và vai trò của KTNB; quản trị nhân lực; thực hành chuyên môn; quản lý hoạt động và trách nhiệm giải trình; các mối quan hệ và văn hóa DN; cấu trúc quản trị.

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng lộ trình thiết lập chức năng KTNB, bà Trương Hạnh Linh- Giám đốc Dịch vụ tư vấn, Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG cho biết, KTNB có thể giúp DN nâng cao chất lượng kiểm soát, giảm thiểu rủi ro, nhận dụng các khu vực tiềm năng để cải thiện hiệu quả và mang lại lợi ích về chi phí. Việc triển khai KTNB theo các thông lệ tiên tiến có thể mang lại nhiều lợi ích cho DN và tăng lợi thế cạnh tranh. Muốn làm được như vậy, KTNB cần chú trọng vào các phương thức hoạt động, liên tục đánh giá và cập nhật rủi ro, tận dụng và kết hợp các chức năng đảm bảo khác, đồng thời chú trọng vào phương thức thực hiện đánh giá và giám sát hoạt động kinh doanh.

THÙY LÊ