Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1392-Km1405 và Km1425-Km1445; đoạn Km1445+000-Km1488+000, tỉnh Khánh Hòa: Nhiều sai sót, bất cập trong quản lý đầu tư và phân bổ vốn
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:45, 18/03/2019
(BKTO) - Xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác; thiết kế, dự toán chưa hợp lý làm lãng phí vốn đầu tư; phân bổ chỉ tiêu kế hoạch vốn cho các dự án dư thừa trong khi Chính phủ phải trả lãi… là những hạn chế đáng chú ý được KTNN chỉ ra qua kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1392-Km1405 và Km 1425-Km1445 (gọi tắt là Dự án 1) và Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1445+000- Km1488+000 (Dự án 2), tỉnh Khánh Hòa.
Sai sót trong tính toántổng mức đầu tư và thiết kế, dự toán
Hai Dự án trên đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Quyết định đầu tư vào tháng 5/2013, do Ban Quản lý dự án 7 (BQLDA7) làm đại diện chủ đầu tư. Mục tiêu đầu tư 2 Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên Quốc lộ 1A, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT. Theo đó, Dự án 1 có chiều dài 33km với tổng mức đầu tư 2.257 tỷ đồng; Dự án 2 có chiều dài 43km với tổng mức đầu tư 2.335 tỷ đồng.
Theo đánh giá của KTNN, 2 Dự án được lập phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, tuân thủ các quy định của pháp luật; thiết kế cơ sở phù hợp với chủ trương, mục tiêu đầu tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án…
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ cho phép giúp tiết kiệm chi phí đầu tư số tiền hơn 101,4 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/3/2016), trong đó, Dự án 1 tiết kiệm 47,9 tỷ đồng, Dự án 2 tiết kiệm 53,5 tỷ đồng. Các gói thầu đều được thực hiện đảm bảo đúng và vượt tiến độ so với quy định của hợp đồng, các dự án sớm thông xe đưa vào khai thác đã góp phần làm tăng tính kinh tế.
KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót của 2 Dự án mở rộng Quốc lộ 1 - Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư còn chưa chính xác, chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư hơn 164,4 tỷ đồng. Trong đó, Dự án 1 tăng 81 tỷ đồng do tính trùng chi phí bốc dỡ vật liệu. Dự án 2 tăng hơn 83,4 tỷ đồng do tính thừa chi phí bốc dỡ vật liệu; áp dụng chưa đúng hàm lượng nhựa trong thiết kế cấp phối bê tông nhựa, giá lưới thép gia cố mái đá; tính toán khối lượng thép mối nối cọc D400 thừa so với định mức quy định.
Trong công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, qua kiểm toán phát hiện tại Dự án 2, gói thầu XL.04, hạng mục cầu vượt đường sắt chắn Hòa Tân thiết kế cọc khoan nhồi không hợp lý dẫn đến lãng phí 649 triệu đồng. Thiết kế cơ sở đã xét đến các tuyến bị ngập so với mức nước lũ nhưng vẫn còn một số đoạn cao độ thiết kế cao hơn cốt nền nhà dân bên đường mà tư vấn không có báo cáo cụ thể số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng, chưa đưa ra giải pháp khắc phục triệt để.
Trong công tác dự toán, tổng giá trị dự toán sai sót phát hiện qua kiểm toán là hơn 26,8 tỷ đồng (bao gồm sai sót theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính gần 5,5 tỷ đồng tại Dự án 1). Trong đó, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn sai sót làm tăng giá trị dự toán hơn 19,5 tỷ đồng; sử dụng định mức thi công cọc cát không đúng quy định hơn 7,2 tỷ đồng. Những hạn chế này phản ánh chất lượng công tác dự toán còn thấp, làm giảm tác dụng quản lý của dự toán công trình. Cùng với đó, tại một số hạng mục, gói thầu còn sai sót, qua kiểm toán đã giảm trừ chi phí đầu tư gần 31,5 tỷ đồng do sai khối lượng, sai đơn giá.
Phân bổ vốn dư thừa so với nhu cầu thực tế
Đánh giá về việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án, báo cáo của KTNN cho biết, nguồn vốn đầu tư hai Dự án chủ yếu là vốn trái phiếu chính phủ (ngoại trừ 8 tỷ đồng là vốn ứng trước của NSNN). Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cơ bản chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, các dự án chưa hoàn thành trả vốn ứng trước của NSNN 8 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án (mỗi dự án 4 tỷ đồng) là chưa tuân thủ quy định của pháp luật, trách nhiệm này liên quan đến Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Đặc biệt, kết quả kiểm toán chỉ rõ, công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn hằng năm không phù hợp với tiến độ thi công và nhu cầu vốn thực tế của các dự án. Cụ thể, công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn năm 2015 của BQLDA7 không sát với tiến độ thi công thực tế và tình hình thực hiện giải ngân nên kết thúc niên độ năm 2015, cả 2 Dự án còn dư chỉ tiêu kế hoạch vốn được phân bổ trên 514,5 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã chấp thuận gia hạn cho đơn vị được phép giải ngân đến 31/12/2016.
Cùng với số vốn dư năm 2015 chuyển sang, năm 2016, BQLDA7 lập nhu cầu kế hoạch vốn và được Bộ GTVT phân bổ hơn 755,6 tỷ đồng (Dự án 1 là 221,2 tỷ đồng, Dự án 2 là 534,4 tỷ đồng). Qua kiểm tra, tính toán, tổng chỉ tiêu vốn được giao của các dự án bị dư thừa gần 719,2 tỷ đồng (Dự án 1 là gần 349,2 tỷ đồng, Dự án 2 là 370 tỷ đồng). Với mức lãi suất huy động vốn trái phiếu chính phủ năm 2015 là 6%/năm, tính trên số dư thừa vốn cuối năm 2015 là 514,5 tỷ đồng, trong thời gian khoảng 8 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9/2016) thì số tiền lãi Chính phủ phải trả là gần 20,6 tỷ đồng.
Cũng theo kết quả kiểm toán, đến thời điểm kiểm toán (tháng 6/2016), BQLDA7 chưa thu hồi khoản nợ tạm ứng của nhà thầu (gói thầu XL.05 thuộc Dự án 1) với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Theo hợp đồng, thời điểm phải thu hồi số nợ tạm ứng này là 24/01/2016.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính đối với 2 Dự án hơn 26,5 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị BQLDA7 tiếp tục thực hiện giảm trừ theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính số tiền hơn 4 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong quản lý liên quan đến các sai sót đã được KTNN chỉ ra. Đặc biệt, KTNN kiến nghị BQLDA7, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với việc phân bổ dư thừa chỉ tiêu kế hoạch vốn; đồng thời, rà soát để điều chuyển kịp thời chỉ tiêu kế hoạch vốn còn dư của 2 Dự án, bố trí cho nhiệm vụ khác nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019