Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 19/03/2019
(BKTO)- Sáng 19/3, tại Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”. Tổng Kiểm toán Nhà nước - TS. Hồ Đức Phớc tham dự. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng và Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo còn có: TS. Bùi Đặng Dũng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và hơn 50 trường đại học trên cả nước; các chuyên gia, các nhà khoa học cùng đông đảo phóng viên, báo chí.
|
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, gồm: Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính. Qua một thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đã được nâng lên, áp lực chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục đào tạo được giảm nhẹ. Một số trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực ngoài NSNN để gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi, tăng thu nhập cho người lao động.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc, như: Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để trường đại học công lập thực hiện chưa được ban hành kịp thời; việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại NSNN; chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng...
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các trường đại học công lập.
Đối với KTNN, thực hiện chức năng theo Luật định, KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cụ thể: Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm; kiểm toán một số Chuyên đề như: Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng NSNN thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng... Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về quản lý, tuân thủ các quy định của pháp luật, KTNN đã có nhiều kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tuy nhiên, công tác kiểm toán trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc tuân thủ các quy định của nhà nước trong chi NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các trường đại học công lập, từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhất là đối với giáo dục đại học. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát tốt việc quản lý đối với giáo dục đại học.
Tham dự Hội thảo còn có đông đảo đại biểu đến từ các trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục |
Tại Hội thảo, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập và vai trò của KTNN, tập trung vào 5 vấn đề chủ yếu:
Một là, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và công tác quản lý điều hành, phối hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương. Việc thực hiện chức năng của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các văn bản quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, hoạt động đào tạo sinh viên;Hai là, việc tuân thủ các quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập; tuân thủ các quy định trong công tác xây dựng, đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản công;
Ba là, thực trạng về cơ chế tự chủ tài chính, những bất cập, hạn chế của hệ thống cơ chế chính sách hiện hành và nhận diện những nguyên nhân;Bốn là, vai trò của KTNN đối với việc góp phần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học công lập;Năm là, đề xuất các giải pháp, mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán đối với cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập đảm bảo hoạt động kiểm toán đạt hiệu quả tốt nhất.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo...
Tin và ảnh: HỒNG- LỘC