Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Đối nội - Ngày đăng : 10:55, 21/03/2019

(BKTO) - Ngày 20/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013- 2018” do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì, đã có cuộc làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của KTNN tham dự cuộc làm việc.


Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013- 2018 gồm Quỹ BHXH, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại cuộc làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết: Quỹ BHXH, BHYT, BHTN là quỹ tài chính ngoài ngân sách với tính chất đặc thù thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Từ khi được thành lập đến nay, Quỹ hoạt động đảm bảo đúng mục tiêu, đúng quy định của pháp luật được các ngành, các cấp, tổ chức, cộng đồng DN và người lao động tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật, số người tham gia ngày càng được mở rộng hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; số người được hưởng chính sách cũng không ngừng tăng lên đã khẳng định Quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thành lập và hoạt động đạt được mục tiêu đề ra.
                
   

Quang cảnh cuộc làm việc

   
Đặc biệt, qua công tác thanh tra đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH năm 2014, BHXH Việt Nam đã phát hiện, kiến nghị truy thu và thu hồi về các Quỹ, đóng góp tích cực vào việc giảm số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Năm 2018 tỷ lệ nợ giảm xuống còn 1,7% số phải thu, giảm 1,2% so với năm 2017 và đây là mức nợ thấp nhất từ trước đến nay.

Về hiệu quả của cơ chế tài chính, huy động vốn, đầu tư và quản lý tài chính, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cho biết: Cơ chế quản lý Quỹ tập trung thống nhất tại BHXH Việt Nam đã giúp tập trung đầy đủ, kịp thời nguồn thu vào các Quỹ và chủ động trong điều hành nguồn thu, đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm tại mọi thời điểm. Từ năm 2013 đến nay, hoạt động đầu tư các quỹ này an toàn, hiệu quả, không rủi ro, lãi suất đầu tư cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHYT, BHTN quy định nội dung, định mức chi tương đối đầy đủ, rõ ràng phù hợp với tình chất đặc thù của Ngành…

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, hiện vẫn còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH; khoảng 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình mới đạt tỷ lệ khoảng 63%, trong đó có khoảng 10- 20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia BHYT mà lựa chọn khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Ngoài ra, vẫn tồn tại tình trạng nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn. Số người nhận BHXH một lần gia tăng hàng năm làm ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động. Tình trạng Quỹ BHYT tiếp tục gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bất hợp lý, ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHYT.

Vì vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm thống nhất giữa Luật BHXH, BHYT và Luật Việt làm; tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và quản lý sử dụng quỹ, đặc biệt đối với các địa phương, các cơ sở KCB có số tiền bội chi khám, chữa bệnh BHYT lớn; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo BHXH, BHYT, BHTN; xử lý đối với các trường hợp DN chủ bỏ trốn, mất tích. BHXH Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi cơ chế quản lý tài chính Quỹ BHXH, BHYT, BHTN; ban hành Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN…

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán Quỹ BHXH, BHYT, BHTN, theo quy định của Luật BHXH, định kỳ 3 năm, KTNN thực hiện kiểm toán Quỹ BHXH, BHYT, BHTN và báo cáo kết quả với Quốc hội. Ngoài ra, theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quỹ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm toán đột xuất.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, thời gian qua KTNN đã tiến hành kiểm toán việc thực hiện các Quỹ BHXH, BHYT, BHTN và đã có báo cáo gửi các cơ quan liên quan. Qua kiểm toán các Quỹ này cho thấy chi thường xuyên bộ máy đều tiết kiệm, đúng quy định nhưng có hiện tượng lạm dụng trong chi chế độ BHXH. Liên quan đến vấn đề quản lý, đầu tư Quỹ, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý các nguồn Quỹ này phải đảm bảo an toàn nên nếu đặt vấn đề sinh lời thì BHXH Việt Nam không làm được, vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính có thể cho phép mua trái phiếu hoặc gửi tại các ngân hàng thương mại có uy tín.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc

   
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng nhấn mạnh vấn đề cần xây dựng chính sách BHXH phù hợp với bối cảnh già hóa dân số, đảm bảo cân đối Quỹ BHXH; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng các Quỹ BHXH, BHYT, BHTN…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, vấn đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ BHXH, BHYT, BHTN là vấn đề được Quốc hội quan tâm. Qua các ý kiến tại cuộc làm việc đã làm rõ các nội dung liên quan đến tình hình ban hành chính sách, pháp luật về thành lập quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, BHYT, BHTN; đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ giai đoạn 2013- 2018; đồng thời đã đánh giá, làm rõ hiệu quả quản lý, sử dụng các Quỹ; chỉ ra hạn chế tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kiến nghị.

Ghi nhận kiến nghị của BHXH Việt Nam, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải đề nghị, BHXH Việt Nam cần bổ sung đánh giá về thực hiện chính sách, pháp luật, về định hướng chiến lược, thách thức trong thực hiện công tác quản lý, sử dụng 3 quỹ tài chính ngoài ngân sách này nhằm lựa chọn những quy định quan trọng, cấp bách cần đề xuất sửa đổi…
         
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, nếu như năm 2013 cả nước có 11 triệu người tham gia BHXH (bằng 21,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi) thì đến năm 2018 đã 14,7 triệu người (bằng 30,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi), bình quân tăng 5,9%/năm. Tổng số người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng năm 2013 là 2,6 triệu người và đến năm 2018 là 3,2 triệu người, bình quân tăng 3,6%/năm.
   Số người tham gia BHYT cũng ngày càng tăng, nếu năm 2013 toàn quốc có 61,8 triệu người tham gia (chiếm 68,8% dân số) thì đến năm 2018 đã lên 83,5 triệu người tham gia BHYT (chiếm 88,5% dân số). Số lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh năm 2013 là 130 triệu lượt và năm 2018 là 176,5 triệu lượt người, bình quân tăng 6,5%/năm.
   Đối với BHTN, năm 2013 có 8,7 triệu người tham gia (bằng 17,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi), đến năm 2018 là 12,7 triệu người tham gia (bằng 26,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi), bình quân tăng 7,9%/năm.
Tin và ảnh: Đ. KHOA