Bảo đảm tín dụng chính sách thông suốt khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 12:32, 03/07/2025

(BKTO) - Trong bối cảnh sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang chủ động xây dựng phương án tổ chức lại hệ thống, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhưng vẫn giữ mạng lưới gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
giai_ngan_son_nguyen_20250613112357.jpg
Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, các điểm giao dịch xã vẫn được duy trì để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Ảnh: ST

Gần dân, sát dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn

Thời gian qua, NHCSXH đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng yếu thế. Với mạng lưới trải rộng tới cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, buôn, khu phố, mô hình quản lý của NHCSXH có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, từ các Bộ, ngành đến các tổ chức chính trị - xã hội.

Tính đến cuối tháng 5/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên toàn quốc đạt 410.857 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình gần 390.000 tỷ đồng, với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ ở mức 0,22%. Những con số này khẳng định hiệu quả và tính bền vững của mô hình NHCSXH.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống chính quyền đang tinh gọn theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 60/NQ-TW của trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đòi hỏi NHCSXH cũng phải có những thay đổi tương ứng, nhằm thích ứng với cơ cấu hành chính mới mà vẫn giữ vững mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH làm việc với ban đại diện HĐQT các cấp trên toàn quốc mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, địa bàn quản lý của các xã rộng hơn, số hộ dân cũng tăng lên so với trước, nếu không có điểm giao dịch xã thì bà con ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Do đó, đại diện các địa phương đề nghị NHCSXH giữ nguyên các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, đồng thời tiếp tục quan tâm bố trí vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đề xuất này đã được NHCSXH ghi nhận và đưa vào phương án sắp xếp tổ chức bộ máy.

z5442429703667_04eaf0aea1b5df37972803d6507bfb25.jpg
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đưa nguồn vốn chính sách đến với người nghèo, đối tượng yêu thế. Ảnh: ST

Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, thực hiện định hướng của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH đã chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy. Phương án sắp xếp được xây dựng trên nguyên tắc: tinh gọn bộ máy, giữ vững hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với tổ chức hành chính các cấp, tiếp tục duy trì mô hình đặc thù của NHCSXH và đảm bảo thông suốt trong phục vụ người dân. Quá trình triển khai, NHCSXH cũng lấy ý kiến của các thành viên HĐQT, với sự đồng thuận cao từ đại diện các Bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia trong hệ thống.

Theo nội dung phương án đã được xây dựng, NHCSXH sẽ thực hiện một số điều chỉnh. Cụ thể, ở cấp tỉnh, NHCSXH sẽ sáp nhập 63 chi nhánh hiện nay thành 34 chi nhánh (28 tỉnh, 6 thành phố), đồng bộ với tổ chức hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.

Đối với các phòng giao dịch và mạng lưới cơ sở, NHCSXH tiếp tục duy trì 29 phòng giao dịch sử dụng trụ sở chi nhánh cũ. Các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn được giữ nguyên để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của người dân.

Một trong những thay đổi lớn theo phương án sắp xếp là việc chấm dứt hoạt động của 692 ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, đồng thời kiện toàn lại ban đại diện HĐQT cấp tỉnh với cơ cấu nhân sự phù hợp với mô hình tổ chức mới của các sở, ngành địa phương. Tuy nhiên, vai trò giám sát, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở vẫn được bảo đảm, nhờ sự tham gia của lãnh đạo chính quyền cấp xã - những người am hiểu địa bàn, sát dân, sát cơ sở.

Khẳng định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền cấp xã với tín dụng chính sách xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch HĐQT NHCSXH Việt Nam - nêu rõ, để hoạt động của NHCSXH tiếp tục ổn định khi các cấp chính quyền địa phương thực hiện công tác sắp xếp bộ máy, Chủ tịch HĐQT NHCSXH đề nghị các thành viên ban đại diện HĐQT địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tích cực tham mưu cấp ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách; chỉ đạo chính quyền cấp xã sau khi sáp nhập tiếp tục tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

z4091529433492_b76cf0855f7ed1c781233b034fced6ff.jpg
Tín dụng chính sách giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: ST

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát, phát huy vai trò và khẳng định rõ hơn trách nhiệm của mình với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu chính quyền, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH; sáp nhập chi nhánh cấp tỉnh theo sắp xếp đơn vị hành chính tại cấp tỉnh; duy trì mạng lưới phòng giao dịch, điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn và đảm bảo hoạt động của NHCSXH thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phát triển bền vững.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không làm thay đổi phương châm hoạt động và sứ mệnh của NHCSXH. Chúng ta vẫn sẽ thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch HĐQT NHCSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Cụ thể hóa chủ trương trên, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp với các địa phương đơn vị đảm duy trì hoạt động tín dụng chính sách thông suốt, hiệu quả, đảm bảo người dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn phải được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, thực hiện các phương án an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển địa phương. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, phường, đặc khu sau sắp xếp đơn vị hành chính, bố trí 119 điểm giao dịch như hiện nay nhằm giúp người dân không phải di chuyển xa, không phải chờ đợi lâu và phát sinh nhiều chi phí khi đến giao dịch.

Các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp NHCSXH nơi cho vay thực hiện các nội dung trong hợp đồng ủy thác, văn bản liên tịch đã ký kết nhằm đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách liên tục, phục vụ nhân dân tốt nhất. UBND cấp xã bố trí cơ sở vật chất, các điều kiện để phục vụ duy trì hoạt động tại các điểm giao dịch của NHCSXH nhằm phục vụ người dân đến giao dịch.

Tại TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, với vị trí là người đứng đầu chính quyền cơ sở, Chủ tịch UBND cấp xã có lợi thế đặc biệt trong việc nắm bắt sâu sắc thực trạng kinh tế - xã hội địa phương, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn.

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, một xã, phường sau sáp nhập sẽ tổ chức nhiều điểm giao dịch; do vậy, UBND các phường mới thành lập phải bố trí các địa điểm giao dịch xã tại trụ sở làm việc của UBND các phường mới để phục vụ nhân dân trên địa bàn và bố trí các điểm giao dịch xã khác tại trụ sở UBND các xã, phường cũ trước khi sáp nhập, trụ sở làm việc mặt trận, đoàn thể, trụ sở cơ quan quân sự.... nhằm đảm bảo điều kiện làm việc phục vụ cho Tổ giao dịch và khách hàng đến giao dịch, bố trí lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo an toàn về con người, tài sản của Ngân hàng và khách hàng.

“Chủ tịch UBND các phường trực tiếp tham gia giao ban tại các điểm giao dịch xã để chỉ đạo và xử lý các vướng mắc tại địa phương; tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất cho các điểm giao dịch xã; giữ nguyên mạng lưới các Điểm giao dịch xã như trước khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức hoạt động giao dịch xã an toàn, hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo.

Việc nỗ lực đảm bảo duy trì mạng lưới hoạt động ổn định, hiệu quả, không làm gián đoạn tín dụng chính sách tại cơ sở trong bối cảnh mới cho thấy quyết tâm của hệ thống NHCSXH trong việc đặt mục tiêu phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách xuyên suốt, hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm. Dù cơ cấu tổ chức có thay đổi, nhưng nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” không thay đổi.

Đ. KHOA