Hà Nội nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận phi địa giới

Địa phương - Ngày đăng : 09:26, 04/07/2025

(BKTO) - Công tác cải cách hành chính của TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông - nền tảng vững chắc để Thành phố chuyển sang giai đoạn thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 01/7.
hn2.jpg
Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn, trong đó chú trọng giải quyết TTHC để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/7/2025.

Theo UBND TP. Hà Nội, năm 2025 Thành phố xác định cải cách TTHC gắn với phân cấp, ủy quyền là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tập trung xây dựng cơ chế liên thông hiện đại. Theo đó, Thành phố đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch về kiểm soát, cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

Cụ thể, UBND Thành phố đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 4 TTHC lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, 2 TTHC lĩnh vực quy hoạch xây dựng và 34 TTHC lĩnh vực nông nghiệp - môi trường; ban hành 32 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ.

Đặc biệt, Thành phố đã chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8%. Các sở, ngành phối hợp công bố danh mục TTHC thuộc nhóm “làn xanh” - thủ tục ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết từ 30% đến 60%. Đến nay,  có 103 TTHC thực hiện theo cơ chế này ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp, nông nghiệp - môi trường, kiến trúc...

Để chuẩn bị cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Đến ngày 1/7/2025 có 100% TTHC đủ điều kiện sẽ được cung cấp DVC trực tuyến, tiếp đó đến 30/11/2025 toàn bộ TTHC được thực hiện không phụ thuộc địa giới hành chính cấp tỉnh. Mục tiêu là trên 90% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến.

Lũy kế, Hà Nội đã ủy quyền giải quyết 656 TTHC, chiếm 34,8% tổng số TTHC trên địa bàn. Toàn bộ danh mục TTHC được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Hiện 100% TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thành phố cũng tích hợp, chuẩn hóa quy trình, sử dụng định danh, xác thực và chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC.

 Hà Nội đã thành lập 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công (gồm 30 điểm tiếp nhận) hoạt động tương đối độc lập để hạn chế tiếp xúc, nâng cao hiệu quả phục vụ. Các chi nhánh được trao quyền điều phối, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Đồng thời,  chỉ đạo triển khai 476 mô hình đại lý DVC trực tuyến trên toàn địa bàn.

Trong 6 tháng năm 2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công  đã tiếp nhận, xử lý 6.384 phản ánh, kiến nghị qua zalo, email và Cổng DVC quốc gia. Để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/7/2025, Thành phố đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn, trong đó chú trọng giải quyết TTHC, như: triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại cấp phường, xã theo mô hình tổ chức mới; việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh thực tế của người dân, DN trên ứng dụng iHanoi cho các phường, xã theo mô hình tổ chức mới; quy trình giải quyết TTHC theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; vận hành hệ thống DVC theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp…

Từ ngày 27/6, Hà Nội cũng bắt đầu triển khai tiếp nhận TTHC phi địa giới hành chính tại một số điểm thuộc phường Tây Hồ, Phú Thượng, gồm: Chi nhánh số 1 phường Tây Hồ; Điểm Phục vụ hành chính công Tây Hồ; Điểm Phục vụ hành chính công Phú Thượng. Đây là bước khởi đầu quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu 100% TTHC được tiếp nhận phi địa giới, góp phần khẳng định tính ưu việt của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố chính thức vận hành từ 01/7/2025./.

THÙY LÊ