Quản lý nhà, đất công qua lăng kính Kiểm toán nhà nước. Bài 3: Rốt ráo xử lý trụ sở, đất công bỏ hoang sau sắp xếp

Kiểm toán - Ngày đăng : 14:07, 07/07/2025

(BKTO) - Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện không ít trường hợp trụ sở, đất công dư thừa nhưng chưa được sắp xếp, xử lý theo quy định, dẫn đến tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài sản. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, vấn đề xử lý tài sản công dư thừa sau sắp xếp càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp xử lý triệt để, tránh lãng phí nguồn lực to lớn này.
14_z6779725916242_40b08e70e15b9e03a4ed3a68a2915a1d.jpg
Cần rốt ráo xử lý trụ sở, đất công bỏ hoang sau sắp xếp. Ảnh: ST

Hàng loạt trụ sở, nhà đất công bỏ hoang nhiều năm

Cùng với tiến trình hoàn thiện pháp luật về đất đai, công tác quản lý, sử dụng đất những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí và vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công, đặc biệt là tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, vẫn là vấn đề nhức nhối.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng hiệu quả đất công, KTNN thời gian qua đã tập trung kiểm toán nội dung này, đặc biệt là việc chấp hành các quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đơn cử, kết quả kiểm toán năm 2023 cho thấy còn tình trạng quản lý, sử dụng một số cơ sở nhà, đất chưa phù hợp, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị được giao quản lý tài sản công.

Cụ thể, tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang quản lý khu đất tại khu 3 phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, từng được sử dụng làm nhà hội thảo và phòng nghỉ, đã chấm dứt hoạt động từ năm 2018 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa được xử lý. Cơ sở nhà đất tại 210 Đội Cấn cũng không được sử dụng trong nhiều năm, nhưng Bộ chưa có phương án sắp xếp, xử lý theo quy định. Đây cũng là trường hợp từng được KTNN kiến nghị khắc phục qua các đợt kiểm toán trước, song vẫn chậm chuyển biến.

Tình trạng này không phải là cá biệt. Kết quả kiểm toán năm 2022 cho thấy Bộ Khoa học và Công nghệ còn chậm xử lý nhiều cơ sở nhà đất như 59 Lý Thường Kiệt, 179 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)... Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý 47 cơ sở nhà, đất dư thừa nhưng chưa lập phương án sắp xếp, xử lý theo quy định. Bộ Tài chính chưa có phương án sắp xếp đối với 305 cơ sở không còn nhu cầu sử dụng. Tại Bộ Công Thương, dù một số đơn vị đã gửi phương án sắp xếp, nhưng đến thời điểm kiểm toán, Bộ vẫn chưa kiểm tra, sắp xếp theo quy định…

Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cũng đánh giá công tác sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp còn chậm, chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát. Số lượng nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp theo Nghị định 167 và Nghị định 67 còn khá lớn, điển hình như tại TP. Đà Nẵng, có tới 1.629 trường hợp.

Trăn trở trước tình trạng này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình - nay là tỉnh Phú Thọ) cho rằng: Nhiều trụ sở công bị bỏ hoang trong thời gian dài, không được bảo quản, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, nhất là tại các vị trí “đất vàng” ở khu vực trung tâm. “Dù vấn đề này đã được phản ánh qua nhiều đợt giám sát, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để” - đại biểu bày tỏ.

Bảo đảm nhà, đất, trụ sở dôi dư được sử dụng hiệu quả

Từ thực tiễn kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, lập phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất gửi Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Nghị định 167 và Nghị định 67, nhất là đối với các khu đất chưa có phương án sử dụng.

Trong bối cảnh cả nước đang triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư dự báo rất lớn, những đánh giá và kiến nghị của KTNN là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý tài sản công có biện pháp xử lý phù hợp. Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 11.000 cơ sở đất, nhà là tài sản công chưa được khai thác hoặc xử lý hợp lý. Khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành, số lượng trụ sở dôi dư sẽ còn tăng. Dữ liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy, trong số 38.182 trụ sở công cấp tỉnh tại 52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp, có khoảng 4.226 trụ sở sẽ trở thành dôi dư.

Nhấn mạnh việc xử lý chưa hiệu quả số trụ sở công dôi dư, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần thu hồi và ưu tiên sử dụng cho mục đích an sinh xã hội, phúc lợi công cộng... nhằm bảo đảm tài sản dôi dư được khai thác hiệu quả, không để lãng phí, bỏ hoang hay sử dụng sai mục đích. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - đề xuất: Cần ưu tiên quy hoạch trụ sở cơ quan nhà nước sau sáp nhập, kế đến là sử dụng cho mục tiêu công cộng như nhà tái định cư, nhà ở xã hội; phần còn lại nên tổ chức đấu giá để tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực cho phát triển địa phương.

Với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lãng phí, tiêu cực sau sắp xếp, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó nêu rõ yêu cầu về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sáp nhập. Theo Điều 12 Nghị quyết, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính và tài sản công sau sắp xếp phải tuân thủ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nghị quyết cũng đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền cấp tỉnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công được giao.

Bộ Tài chính sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt vấn đề xử lý tài sản, trụ sở dôi dư theo hướng “cầm tay chỉ việc”, đồng thời giám sát việc thực hiện của các địa phương. Chúng tôi đề nghị các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH sẽ song hành với Chính phủ trong việc giám sát này, đảm bảo không để các tài sản bị lãng phí, sử dụng không hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang tích cực triển khai công tác sắp xếp, xử lý tài sản công khi tổ chức bộ máy được tinh gọn. Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn công tác khảo sát, hỗ trợ địa phương sau sáp nhập. “Theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, những tài sản dôi dư cần được ưu tiên phục vụ giáo dục, y tế. Phần còn lại, các địa phương cần đưa vào quy hoạch và khai thác hiệu quả” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc đảm bảo sử dụng hiệu quả nhà, đất công sau sắp xếp, KTNN cũng đang thực hiện kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng, sắp xếp và xử lý nhà, đất theo Nghị định 167 và Nghị định 67 tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin./.

NHÓM PV