Xuất nhập khẩu: Động lực mới và những yêu cầu dài hạn
Tài chính - Ngày đăng : 19:32, 07/07/2025
Giữa nhiều rủi ro, xuất khẩu nhập khẩu vẫn tăng mạnh
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 426-430 tỷ USD, tăng khoảng 15,5-15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 215-217 tỷ USD, tăng 13,8-14%; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 211-213 tỷ USD, tăng 17-17,2%. Nhờ vậy, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với mức thặng dư ước đạt từ 3,4-4 tỷ USD.

Bức tranh xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay cũng ghi nhận sự tăng trưởng tương đối đồng đều giữa các nhóm ngành hàng. Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, hóa chất tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt. Đáng chú ý, trong nhóm nông sản, dù kim ngạch rau quả sụt nhẹ nhưng mặt hàng cà phê lại tăng trưởng vượt bậc, góp phần bù đắp đáng kể và nâng tổng giá trị xuất khẩu chung. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam cơ bản hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra trong Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, hướng tới mục tiêu chung đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.
Đánh giá về diễn biến kinh tế Việt Nam, ông Paulo Medas - Chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - nhận định: Việt Nam đã phục hồi ấn tượng trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,1%, nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu, dòng vốn FDI ổn định và các chính sách hỗ trợ linh hoạt, kịp thời. Bước sang năm 2025, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì, song cũng đứng trước nhiều nguy cơ bất định, nhất là từ căng thẳng thương mại toàn cầu và diễn biến địa chính trị phức tạp.
Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép chủ quan, bởi các rủi ro đang tiềm ẩn có thể bất ngờ tác động tiêu cực đến hoạt động ngoại thương trong thời gian tới”.
Theo ông Hải, một trong những yếu tố rủi ro lớn hiện nay là việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng lên tới 46% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Việt Nam, không phân biệt ngành hàng. Nếu được thực thi, biện pháp này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt tại thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay, tác động trực tiếp tới nhóm hàng công nghiệp và nông sản chủ lực.
Bên cạnh đó, tình hình xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang, đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh, khiến chi phí logistics tăng cao, kéo theo nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngay cả khi năng lực sản xuất trong nước được duy trì ổn định, áp lực đầu ra vẫn rất lớn, buộc doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào các đối tác truyền thống.
Đàm phán thuế, tận dụng FTA và giữ ổn định vĩ mô
Trước những thách thức đặt ra, Bộ Công Thương đang triển khai đồng bộ hai nhóm giải pháp then chốt nhằm ứng phó, bảo vệ thành quả xuất nhập khẩu, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm.
Việt Nam tiếp tục kiên định với chiến lược mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, các khu vực Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh đang được xúc tiến mạnh mẽ nhằm tạo thêm dư địa cho tăng trưởng, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này tương đối cao và phù hợp với cơ cấu sản phẩm của Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang chuẩn bị khởi động đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các khu vực tiềm năng nói trên, từ đó mở rộng không gian ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu. Song song với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được đẩy mạnh, thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức hội chợ, giao thương trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với việc tận dụng FTA, doanh nghiệp cũng được khuyến khích xây dựng nền sản xuất minh bạch, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, phòng vệ thương mại nhằm chứng minh tính hợp pháp, tránh bị áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc hàng rào kỹ thuật. Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương tổ chức các khóa tập huấn, tư vấn kỹ thuật để nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh các giải pháp mang tính thương mại, vấn đề ổn định tài chính vĩ mô cũng được xem là yếu tố then chốt để duy trì đà phục hồi kinh tế nói chung và hoạt động ngoại thương nói riêng. Chuyên gia IMF khuyến nghị Việt Nam cần đặt ưu tiên vào củng cố nền tảng vĩ mô, nhất là khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao và dòng vốn đầu tư biến động khó lường.
Theo đó, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, tận dụng dư địa nợ công đang thấp để linh hoạt điều tiết chi tiêu công, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo lực đẩy cho tăng trưởng. Về chính sách tiền tệ, IMF nhận định dư địa điều hành không còn nhiều, nên Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá và duy trì lãi suất phù hợp.
Trong điều kiện thuận lợi, nếu lạm phát được kiểm soát và lãi suất toàn cầu giảm, Việt Nam có thể cân nhắc nới lỏng tiền tệ ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, IMF cũng nhấn mạnh cần hiện đại hóa khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, thay thế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bằng các công cụ điều tiết minh bạch và hiệu quả hơn.
Song song với đó, Việt Nam cần tiếp tục củng cố hệ thống tài chính, tăng cường giám sát ngân hàng, xây dựng bộ đệm vốn, đảm bảo thanh khoản và có quy trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao khả năng chống chịu trước rủi ro hệ thống.
Về dài hạn, ông Paulo Medas khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tập trung phát triển hạ tầng chiến lược (logistics, năng lượng), thị trường vốn, hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng suất toàn nền kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Kế hoạch cải cách hiện nay là bước đi đúng hướng, nhưng điều cốt lõi vẫn là thực thi thực chất, tinh gọn bộ máy và tạo không gian cho khu vực tư nhân phát triển. Đó là nền tảng cho tăng trưởng bền vững trung và dài hạn của Việt Nam”./.