Việt Nam cần lựa chọn mô hình giám sát tài chính phù hợp

Đối nội - Ngày đăng : 08:35, 26/03/2019

(BKTO) - Hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam đang hoạt động phân tán, mỗi cơ quan quản lý và giám sát thực hiện giám sát một loại định chế tài chính trong khi thị trường đã phát sinh nhiều giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro chéo giữa các ngành và mang tính hệ thống. Chính vì vậy, cần lựa chọn mô hình giám sát tài chính phù hợp để góp phần cho thị trường tài chính phát triển bền vững.


Hệ thống giám sát tài chính còn hoạt động phân tán

Hiện nay, nước ta đang áp dụng mô hình giám sát thể chế. Mô hình này được áp dụng khi thị trường tài chính chưa thống nhất, sản phẩm tài chính chưa đa dạng, chưa có sự kết hợp giữa các loại hình dịch vụ tài chính. Theo đó, mỗi cơ quan quản lý giám sát một lĩnh vực riêng biệt. Hoạt động ngân hàng chịu sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động bảo hiểm chịu sự giám sát trực tiếp của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thị trường chứng khoán chịu sự giám sát trực tiếp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối, giám sát thị trường tài chính quốc gia.

Theo TS. Nguyễn Thanh Huyền - Đại học Thương mại, hệ thống này không giám sát được mối tương tác giữa các thị trường, bởi hiện nay, ở Việt Nam đã có các tập đoàn tài chính đa ngành (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác…), thị trường cũng đã phát sinh nhiều giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro chéo giữa các ngành và rủi ro mang tính hệ thống. Trong khi đó, phương thức giám sát tài chính còn thiên về giám sát tuân thủ, chưa chú trọng đúng mức đến giám sát trên cơ sở rủi ro, khó giám sát hữu hiệu các rủi ro chéo.

Các cơ quan giám sát nói trên vừa ban hành cơ chế - chính sách, cấp phép, vừa hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiêm vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản pháp lý liên quan nhưng vẫn chưa có văn bản quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này. Quy trình giám sát của NHNN Việt Nam chưa tạo được sự phối hợp tốt giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ...

Chia sẻ nhận định này, ThS. Lương Thị Hồng Ngân - Đại học Thương mại - cho rằng: Hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam đang hoạt động phân tán, mỗi cơ quan quản lý và giám sát thực hiện giám sát một loại định chế tài chính nhưng chưa thể hiện rõ cấu trúc cụ thể, do vậy, có thể sẽ trùng lặp chức năng giám sát giữa các cơ quan giám sát. Về bản chất, hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam vẫn mang những đặc tính phân quyền, chức năng giám sát không độc lập với chức năng quản lý. Mô hình này phù hợp với đặc điểm kinh tế của Việt Nam trong thời gian đầu xây dựng hệ thống tài chính.

Cần sớm hoàn thiệnkhung pháp lý

Theo TS. Nguyễn Thanh Huyền, việc xây dựng và vận hành hệ thống tài chính chỉ hiệu quả khi hệ thống giám sát không chồng chéo hoặc không có khoảng trống. Hiện tại, Việt Nam chưa cần thiết phải hợp nhất các cơ quan giám sát tài chính do mức độ đan xen các sản phẩm tài chính tích hợp chưa quá phức tạp.

Trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, giám sát tài chính đối với các tập đoàn tài chính trong phạm vi quốc gia và cơ chế phối hợp giám sát tài chính trong phạm vi quốc tế, đảm bảo bao quát các lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn tài chính (cả chính thức lẫn phi chính thức) trong nước và các tập đoàn xuyên quốc gia.

Việt Nam cần đánh giá các định chế tài chính một cách khách quan, chính xác và đầy đủ để nhận định đúng về mức độ rủi ro của định chế đó cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đến hệ thống tài chính, từ đó nâng cao công tác quản trị rủi ro trong hoạt động giám sát.

Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống tài chính với quy mô tín dụng chiếm trên 80% tổng số vốn cung ứng ra nền kinh tế, do đó, sự ổn định của hệ thống này đóng vai trò quan trọng đối với việc ổn định của lĩnh vực tài chính. Vì vậy, NHNN Việt Nam cần phải tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, đồng thời mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu lực giám sát cho các cơ quan giám sát tài chính chuyên ngành bởi khi xuất hiện các sản phẩm tài chính tích hợp giữa lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, cơ quan giám sát hoặc không đủ thẩm quyền để kiểm soát hoặc sản phẩm đó chưa nằm trong đối tượng điều chỉnh của pháp luật hiện hành.

ThS. Lương Thị Hồng Ngân khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia. Đồng thời, cơ quan quản lý nên quy định chặt chẽ hơn cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan này như ký các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ có giám sát qua lại hoặc cơ cấu chéo nhân sự và ban hành luật để điều chỉnh cơ chế giám sát.

Về dài hạn, Việt Nam nên lựa chọn mô hình giám sát hợp nhất, bởi lẽ, mô hình này sẽ tạo sự thống nhất trong giám sát, đồng thời tiết kiệm được chi phí, nguồn nhân lực cho hệ thống giám sát, tuy nhiên cần có lộ trình. Tiếp đến là ban hành luật về cơ quan giám sát hợp nhất, quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan giám sát tài chính hợp nhất cũng như quyền hạn và trách nhiệm của các bộ phận trực thuộc.

Còn hiện tại cũng như trong ngắn hạn, Việt Nam có thể vận dụng mô hình chức năng hỗn hợp, bởi NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình này cần giải quyết ba vấn đề: phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng để không trùng lặp giữa các cơ quan; tăng cường sự phối hợp chính sách và xây dựng các quy định ổn định hệ thống làm chuẩn mực cho sự tham gia của các cơ quan trong việc thực hiện ổn định tài chính.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019