Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán của Hàn Quốc và đề xuất cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:45, 26/03/2019
(BKTO) - Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đang hoàn thiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp dữ liệu một cửa, phân tích tài chính nhất quán, dữ liệu nâng cao… để phục vụ cho hoạt động xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Báo Kiểm toán xin trích giới thiệu bài tham luận của ông Lê Văn Tám - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III tại Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế từ các khóa đào tạo, hội thảo tại nước ngoài năm 2016-2018" về những nội dung liên quan.
Những tác dụng tích cựctừ ứng dụng công nghệthông tin
Ở BAI, mỗi kiểm toán viên mới vào nghề bắt buộc đào tạo về CNTT 2 tuần. Bên cạnh đó, mỗi năm, Viện Đào tạo của BAI tổ chức bình quân 2 lớp chuyên sâu về CNTT cho các kiểm toán viên có nhu cầu nâng cao kiến thức. Kiểm toán viên trước khi được thăng chức phải hoàn thành khóa cập nhật kiến thức trong 5 ngày về CNTT. Riêng cán bộ làm công tác CNTT, mỗi năm phải cập nhật 100 giờ tại cơ sở đào tạo của BAI hoặc bên ngoài.
BAI đang hoàn thiện dự án ứng dụng CNTT với 3 mục tiêu: Mở rộng tối đa việc thu thập và liên kết dữ liệu; Xây dựng nền tảng phân tích mở hướng đến người sử dụng và Đồng bộ hóa hệ thống. Sau khi hoàn thành, dự kiến hoạt động kiểm toán của BAI sẽ có tiến bộ đáng kể, như:
Dịch vụ cung cấp dữ liệu một cửa: Kiểm toán viên không phải thu thập từng loại thông tin, dữ liệu đơn lẻ từ những nguồn khác nhau mà có thể tiếp cận các dữ liệu bên ngoài như: thông tin tài chính, quản trị, địa lý… và thông tin nội bộ (cơ sở dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, kết quả kiểm toán, kiến nghị kiểm toán...) thông qua Hệ thống phân tích dữ liệu kiểm toán (ADAS) duy nhất của BAI. Các dữ liệu này dễ dàng được trích xuất, đối chiếu và kiểm chứng.
Dịch vụ phân tích tài chính nhất quán: Thay vì việc mỗi kiểm toán viên áp dụng thiếu đồng nhất cách tính toán, phân tích đối với từng thông tin tài chính, các thông tin phân tích về thực trạng, bối cảnh và chỉ tiêu tài chính được hệ thống ADAS phân tích một cách đồng bộ và chính xác để phục vụ cho hoạt động xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên.
Dịch vụ phân tích dữ liệu nâng cao: Kiểm toán viên có thể tiếp cận kết quả phân tích dữ liệu lớn hoặc đa dữ liệu, bao gồm cả phân tích hình ảnh, dữ liệu địa lý, thông số môi trường… mà trước đây không thể thu thập bằng phương pháp thủ công.
Đánh giá rủi ro kiểm soát nội bộ và các giao dịch bên ngoài: Với hoạt động kiểm toán truyền thống, kiểm toán viên không thường xuyên có được thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như các hoạt động giao dịch với bên ngoài của đơn vị được kiểm toán; còn với hệ thống ADAS, các dữ liệu này được kết nối và phân tích thường xuyên để ước lượng mức độ rủi ro, phục vụ cho công tác kiểm toán.
So sánh và đánh giá tổng thể, Hệ thống ADAS cung cấp một bức tranh tổng thể về thực trạng, mức độ rủi ro và các công cụ phân tích chuyên sâu cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm toán. Kiểm toán viên có thể so sánh giữa các đơn vị được kiểm toán theo các tiêu chí và chủ đề riêng biệt. Các kiến nghị kiểm toán có thể được tham chiếu để đảm bảo tính phù hợp, khả thi và xử lý một cách có hệ thống.
Một số đề xuất đối vớiKiểm toán Nhà nướcViệt Nam
Tại Việt Nam, CNTT là định hướng phát triển chiến lược và hướng đến một Chính phủ điện tử với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất. Nhiều hệ thống CNTT được triển khai trên diện rộng như: Hệ thống quản lý thuế tập trung (phần mềm TMS), Hệ thống thu NSNN tập trung tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) (phần mềm TCS) và đặc biệt là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc - TABMIS. Cùng với đó, việc kiện toàn, tổ chức lại bộ máy, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân tham gia quản lý tài chính, tài sản công trên nền tảng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi cách thức kiểm toán, môi trường làm việc của kiểm toán viên cũng như cơ quan KTNN.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ cần chuẩn hóa hệ thống kế toán cho các lĩnh vực như: kế toán DN, kế toán ngân sách, kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp... theo cùng nguyên lý kế toán với đầy đủ các bộ chuẩn mực. Đồng thời, đồng bộ giữa các bộ luật có liên quan và từng bước thống nhất các văn bản hướng dẫn.
Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh việc trao quyền khai thác tài nguyên sẵn có cho KTNN, đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; quy định rõ trách nhiệm bảo mật thông tin, dữ liệu của KTNN.
Đối với KTNN, khi sửa đổi Luật KTNN năm 2015, KTNN nên nhấn mạnh quyền tiếp cận và đối chiếu các nguồn dữ liệu để khai thác tốt dữ liệu sẵn có từ các nguồn khác nhau.
Trước hết, KTNN cần xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng đồng bộ, thiết thực, có thể kết nối liên thông với các phần mềm nội bộ và phần mềm quản lý của các Bộ, ngành, địa phương để góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Cùng với đó, KTNN cần xây dựng và khai thác hiệu quả thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ công tác kiểm toán, đồng bộ và chuẩn hoá dữ liệu ngay từ đầu vào.
Đồng thời, KTNN cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT theo mô hình tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng trên môi trường mạng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, quan tâm đến công tác quản lý và xử lý dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường áp dụng các ứng dụng CNTT hiện đại vào công tác kiểm toán, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán; tổ chức các lớp học, tập huấn về ứng dụng CNTT, đảm bảo mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều sử dụng thành thạo CNTT. Tiếp tục cử các đoàn công tác có chuyên môn cao sang học tập kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, KTNN nên có cơ chế thu hút và ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ kiểm toán viên có chuyên môn CNTT.
LÊ VĂN TÁM
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019