Nghị định về kiểm toán nội bộ - những điểm chính doanh nghiệp cần lưu ý

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:50, 26/03/2019

(BKTO) - Ngày 22/01, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ (Nghị định 05). Theo đó, Nghị định 05 đưa ra một khung pháp lý về cách thức tổ chức, thực hiện công tác kiểm toán nội bộ (KTNB) cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận KTNB và các bên liên quan. Những nội dung trong Nghị định hướng đến các thông lệ quốc tế về KTNB, tăng cường tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả, hiệu suất trong quản trị công ty. Tại Bản tin “Kiểm toán nội bộ - Hướng tới thông lệ quốc tế” do PwC cập nhật mới đây, đội ngũ chuyên gia của PwC đã chia sẻ các thách thức chính liên quan đến các yêu cầu của Nghị định 05 đối với khối DN để các DN có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình triển khai các quy định về KTNB. Báo Kiểm toán xin giới thiệu một số nội dung chính của vấn đề này.


Cần một quy chế rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm

Theo đánh giá của PwC, đối với Nghị định 05, các DN cần xác định rõ hình thức tổ chức KTNB là một chức năng hay một bộ phận và vị trí của chức năng/bộ phận KTNB trong cơ cấu tổ chức của mình. Cùng với đó, hội đồng quản trị cũng có quyền và trách nhiệm với KTNB. Như vậy, DN cần làm rõ quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên và ban kiểm soát đối với KTNB; cơ chế báo cáo của KTNB đối với hội đồng quản trị/hội đồng thành viên và ban kiểm soát. Ngoài ra, hội đồng này phải đánh giá sự khác biệt và hiệu quả giữa mô hình tổ chức ban kiểm soát và mô hình ủy ban kiểm toán trong các yêu cầu về công tác KTNB để có sự chuẩn bị, dịch chuyển nếu cần thiết.

Điều 22, 23 và 24 của Nghị định nhấn mạnh vào việc bộ phận KTNB và người làm KTNB cần phải được trao quyền hạn rõ ràng, có quyền truy cập không hạn chế khi thực hiện công tác KTNB. Để đáp ứng được yêu cầu này, các chuyên gia của PwC đã chỉ ra các vấn đề DN cần lưu ý, bao gồm: một là, quyền hạn của KTNB cần phải được quy định rõ ràng trong Quy chế KTNB; hai là, các quy định về quyền hạn của KTNB cần có sự hỗ trợ, đồng thuận của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, ban lãnh đạo và các bên liên quan; ba là, ban lãnh đạo DN cần thực hiện các thông báo rõ ràng trong toàn đơn vị và có chế tài xử lý khi các bên liên quan làm cản trở công tác KTNB.

Một nội dung nữa theo Điều 20 của Nghị định, nhiệm vụ của bộ phận KTNB là thực hiện tư vấn và tham mưu nội bộ khi có yêu cầu. Thời điểm KTNB thực hiện chức năng tư vấn và tham mưu, đưa ra những kiến nghị, biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót của hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị, DN cần lưu ý đến yêu cầu về tính độc lập khi thực hiện các hoạt động kiểm toán sau này. Việc phân tách hoạt động kiểm toán và tư vấn cần được làm rõ trong các quy chế nội bộ và trong chiến lược của KTNB - các chuyên gia của PwC đưa ra lời khuyên cho DN.

Doanh nghệp cần chủ động về nhân lực và tài chính

Về tiêu chuẩn của người làm công tác KTNB, Nghị định đưa ra những yêu cầu cơ bản về kinh nghiệm (3 - 5 năm), có kiến thức và hiểu biết về pháp luật và hoạt động của đơn vị, có khả năng phân tích, đánh giá thông tin, có kỹ năng về KTNB. Để thực hiện được mục tiêu của KTNB là đánh giá về hệ thống kiểm soát, quản trị và quản lý rủi ro, người làm công tác KTNB cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết về kiểm soát nội bộ, quản trị và quản lý rủi ro, kiểm toán công nghệ thông tin cũng như đặc thù ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Như vậy, để đáp ứng những yêu cầu này, DN cần phải chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo về các kỹ năng KTNB. Trong trường hợp DN không có đủ nguồn lực với kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết theo yêu cầu, DN có thể thuê hoặc phối kết hợp với đơn vị tư vấn bên ngoài để thực hiện toàn bộ hoặc một phần nội dung KTNB.

Đối với các yêu cầu về việc chủ động nguồn lực cho KTNB, Điều 26 của Nghị định 05 nêu rõ, trách nhiệm của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên cần trang bị các nguồn lực cần thiết cho bộ phận KTNB. Điều này thể hiện qua việc bộ phận KTNB và cấp quản lý chủ động xây dựng nguồn lực cần thiết cho hoạt động KTNB. Các chuyên gia của PwC chỉ ra 3 vấn đề trọng tâm DN cần chuẩn bị, cụ thể: một là, chủ động tuyển dụng, đào tạo và huy động nhân sự để thực hiện công tác KTNB, đặc biệt về các kiến thức ngành, kỹ năng phân tích, đánh giá, kiến thức về kiểm toán công nghệ thông tin,… ; hai là, KTNB cần có đủ ngân sách để thực hiện công việc và duy trì nguồn nhân sự có chất lượng hoặc kết hợp với tư vấn bên ngoài; ba là, việc xây dựng và phát triển nguồn lực KTNB cần được cụ thể trong chiến lược KTNB.

Hướng đến các chuẩn mực, thông lệ quốc tế

Nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB, Nghị định 05 yêu cầu các đơn vị phải tiến hành đánh giá nội bộ đối với hoạt động của KTNB thông qua việc đánh giá cuối mỗi cuộc kiểm toán và đánh giá lại hằng năm. Ở điểm này, PwC cho rằng: DN cần phải xác định rõ các nội dung đánh giá, xây dựng tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng. Thông thường, các nội dung đánh giá và tiêu chí đánh giá được tham chiếu theo một khung tiêu chuẩn/chuẩn mực tối ưu. Một điểm cần lưu ý là Nghị định không bắt buộc phải có đánh giá độc lập hoặc DN phải tự thực hiện đánh giá nội bộ, như vậy, DN có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đánh giá để đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB.

Đối với riêng phương pháp thực hiện KTNB “định hướng theo rủi ro”, theo các chuyên gia của PwC, để xây dựng được cơ chế, DN cần: thực hiện đào tạo về phương pháp xác định và đánh giá rủi ro, phương pháp luận về quản lý rủi ro; xây dựng chiến lược quản trị rủi ro phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh của DN; xây dựng danh mục rủi ro toàn DN và thực hiện đánh giá rủi ro định kỳ; phối kết hợp hiệu quả giữa quản lý rủi ro và KTNB; xây dựng chiến lược KTNB, kế hoạch KTNB và chương trình KTNB dựa trên rủi ro.

Theo Điều 29 của Nghị định 05, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đưa ra quy định về việc áp dụng các chuẩn mực chuyên môn và nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB. Còn tại Điều 12 của Nghị định này, khi xây dựng quy chế, quy trình KTNB, các DN được khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế về KTNB. Như vậy, tuy chưa có quy định chi tiết về việc bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu chuẩn mực cụ thể, nhưng các DN cũng cần lưu ý tổ chức thực hiện KTNB hướng đến các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Cũng tại Điều 12, Nghị định đưa ra những quy định về quy trình KTNB và yêu cầu DN phải tự xây dựng quy trình KTNB phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị. Điều này đòi hỏi bộ phận KTNB phải hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và chiến lược kinh doanh của DN. Điều 16 của Nghị định cũng đưa ra những quy định về Báo cáo KTNB, nhưng chưa có hướng dẫn triển khai chi tiết về lập kế hoạch KTNB năm, thực hiện các cuộc KTNB và lập báo cáo KTNB. Như vậy, DN cần phải nghiên cứu kỹ các yêu cầu của Nghị định, tham khảo các chuẩn mực theo thông lệ để xây dựng sổ tay KTNB nhằm triển khai thực hiện KTNB theo yêu cầu và phù hợp với đặc thù hoạt động của DN.

THÙY LÊ (Thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019