Cấm xe máy vào nội đô: Cần thiết nhưng không nên nóng vội

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 26/03/2019

(BKTO) - Việc hạn chế xe máy tại Hà Nội và TP. HCM được các ngành chức năng đề xướng là biện pháp nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, ý tưởng đó khó khả thi vì biện pháp này sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, công việc của hàng triệu người dân đang sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông.


Hạn chế phương tiện cá nhân phải hợp lý

Để Hà Nội và TP. HCM trở thành những đô thị hiện đại, văn minh, an toàn, việc thực hiện thành công Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Hà Nội và Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP. HCM” là điều kiện bắt buộc. Ủng hộ chủ trương này nhưng một số chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn về việc triển khai thế nào cho hiệu quả, khả thi.

Theo các chuyên gia, việc cấm xe máy vào nội đô là cần thiết nhưng phải tính toán kỹ lưỡng - Ảnh: Minh Thái

Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM) Nguyễn Lê Ninh dẫn số liệu, trong số những người làm nghề tự do bằng xe 2, 3 bánh ở TP. HCM, 44% là người nhập cư, 43% là những người buôn bán trên vỉa hè, 55% người nhập cư buôn bán lưu động. Khi di chuyển trong Thành phố, những người làm nghề này không chỉ đơn thuần di chuyển con người của họ mà thường có nhu cầu kèm theo hàng hóa, phương tiện hành nghề. Họ khó có thể đi xe buýt khi loại phương tiện này bị giới hạn bởi các luồng tuyến định sẵn và hạn chế hàng hóa mang theo người cả về trọng lượng lẫn thể tích. Do đó, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại TP. HCM ngay bây giờ là điều khó thực hiện được vì nó vướng cả một hệ thống tổ chức, quản lý xã hội hiện nay và đặc biệt là đặc thù kiếm sống mang tính cá thể của đa số cư dân trên địa bàn Thành phố.

Còn tại Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở sẽ chọn một trong hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương (nối từ quận Hà Đông vào các quận trung tâm) thí điểm dừng hoạt động xe máy trong giai đoạn 2019-2020. Theo chuyên gia giao thông Từ Sỹ Sùa, việc cấm xe máy được thí điểm trên một số tuyến phố trước khi cấm đồng bộ để tạo thói quen trước là điều cần thiết. Tuy nhiên, các tuyến phố chọn thí điểm phải là tuyến nằm ở khu vực trung tâm. Với Hà Nội, khu vực trung tâm hiện nay là các tuyến phố được bố trí theo dạng bàn cờ. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng, đảm bảo giao thông cũng đồng bộ nên nếu chọn thí điểm cấm xe máy ở đây thì người dân sẽ dễ dàng thực hiện; gặp các tuyến phố cấm, người đi xe máy có thể rẽ sang đường khác.

Về kế hoạch cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, ông Sùa cho rằng, 2 tuyến đường này chiều ngang rộng, hệ thống vận tải công cộng gần như hoàn thiện khi có thêm đường sắt đô thị trên cao, tuy nhiên, đây là những trục giao thông hướng tâm có mật độ lưu thông lớn, lại thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe, trông giữ phương tiện cá nhân. Do vậy, nếu cấm xe máy thì đến 80% người tham gia giao thông bằng phương tiện này tại đây sẽ rất khó khăn trong việc lưu thông.

Cần giải pháp quản lýcác phương tiện hiệu quả

Nhiều chuyên gia giao thông chung nhận định, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM là do lượng phương tiện tăng quá nhanh, không tương xứng với phát triển về kết cấu hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng; trình độ quản lý cũng như ý thức người tham gia giao thông chưa thật tốt. Mặt khác, việc quản lý dân cư chưa đạt yêu cầu; rất nhiều chung cư, nhà cao tầng tiếp tục mọc lên trong khu vực nội đô, trong khi việc di dời các trường đại học, bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước…

ra khỏi trung tâm thành phố còn quá chậm. Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội và TP. HCM phải giải quyết đồng bộ các vấn đề, chứ không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện giao thông; cần phân chia khu vực để hạn chế xe máy, không nên làm theo tuyến đường. Đồng thời, tăng khả năng vận hành, kết nối của hệ thống vận tải công cộng; xây dựng thêm các bến, bãi trông giữ phương tiện giao thông cá nhân tại các bến xe buýt, tàu điện. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội khi cấm xe máy.

Trong khi đó, theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), xe máy đã và đang là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam có hơn 56 triệu xe máy, trung bình mỗi hộ gia đình sở hữu 2,4 chiếc xe. Xe máy đáp ứng hơn 70% nhu cầu đi lại và sẽ tiếp tục đóng góp vai trò là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, EUROCHAM lo ngại, ngành công nghiệp xe máy sẽ gặp nhiều thách thức nếu cấm lưu thông xe máy tại một số thành phố lớn vào năm 2030 tại Hà Nội và TP. HCM. EUROCHAM cho rằng, xe máy là phương tiện không thể thiếu đối với đời sống hằng ngày và sinh kế của hàng triệu người dân. Việc cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn mà nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý phương tiện tham gia giao thông thiếu hiệu quả, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019