Gỡ khó cho hoạt động chiếu phim lưu động

Xã hội - Ngày đăng : 13:40, 18/02/2016

(BKTO)- Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho các Đội chiếuphim lưu động (CPLĐ) đang còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ sở vật chất vàchính sách hỗ trợ cho cán bộ, viên chức hoạt động trong các đội chiếu phim làmviệc tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp,việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động CPLĐ đang là giải phápđược nhiều người mong đợi.


Gian nan chiếu bóng ngược ngàn

Hiện nay, hoạt động CPLĐ (còn gọi là chiếu bóng) tại các địa phương chủ yếu vẫn do các Đội CPLĐ, thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hoặc Trung tâm Điện ảnh tỉnh/thành phố thực hiện. Mỗi năm, các đội CPLĐ phục vụ khoảng 51 nghìn buổi chiếu, thu hút hơn 10 triệu lượt người xem, góp phần đưa các băng hình tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc; rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền.

Mỗi năm các đội chiếu phim lưu động phục vụ khoảng 51 nghìn buổi chiếu. Ảnh: TL

Hoạt động CPLĐ đã và đang giữ vai trò không thể thiếu trong mục tiêu phát triển văn hóa, hội nhập cùng với sự phát triển chung của đất nước. Song, do nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị hạn hẹp (giai đoạn 2011-2014 vào khoảng 65 tỷ đồng/năm, bao gồm cả chi phí sản xuất, phát hành và phổ biến phim) gây ảnh hưởng đến việc đưa các sản phẩm văn hóa này tới địa phương.

Nêu thực trạng, bà Nguyễn Thị Thanh- nguyên Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Lào Cai cho rằng, hoạt động của các Đội CPLĐ đang dần “teo tóp”. Dù đã cố gắng, mỗi năm Đội chiếu phim của tỉnh chỉ đến được với mỗi xã 1 lần. Chưa kể, công nghệ, thiết bị, phương tiện trang bị cho các Đội cũng lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân. Để đưa được phim tới bản làng, nhiều cán bộ trong các đoàn phim phải dùng chính sức mình để mang thiết bị mà không có phương tiện hỗ trợ, nhưng với tình yêu nghề, nhiều người vẫn tự tìm niềm vui ở công việc và tiếp tục cống hiến.

Trong khi đó, đời sống của cán bộ, viên chức trong các Đội CPLĐ cũng còn nhiều khó khăn. Sau khi Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ban hành và có hiệu lực, nhiều người hy vọng sẽ được hưởng một số chế độ thu hút để vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai quy định này.

Hướng đi nào phù hợp?

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động CPLĐ, những năm qua, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã không ngừng quan tâm đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất, công chiếu phim tuyên truyền phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Mới đây nhất, dự thảo Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ NSNN đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và hỗ trợ sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị” đang được trình Chính phủ xem xét thông qua. Dự kiến, tổng mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho một số Đội CPLĐ giai đoạn 2015-2017 vào khoảng 114,750 tỷ đồng; kinh phí thực hiện đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị từ 60 đến 100 tỷ đồng/năm đối với T.Ư và 50 đến 80 tỷ đồng/năm cấp địa phương...

Đặc biệt, theo Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL quy định hoạt động của Đội CPLĐ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, việc cấp kinh phí để duy trì hoạt động của các Đội CPLĐ sẽ chỉ còn áp dụng cho những địa bàn đặc biệt khó khăn, đồng nghĩa với việc hoạt động CPLĐ sẽ không thể trông chờ hoàn toàn vào tiền ngân sách cấp. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành Văn hóa cần đề ra những giải pháp tối ưu, bền vững hơn, có cơ chế ưu đãi, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hoạt động CPLĐ.

Những năm qua, một số Đội CPLĐ do các tổ chức tình nguyện thành lập đã thực hiện các chuyến công chiếu phim tới địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn mang tính chất tự phát và thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thậm chí, tại một số nơi, hoạt động này còn không được chào đón vì nhiều lý do khác nhau. Làm thế nào để tăng cường, mở rộng hơn nữa hoạt động cho các Đội CPLĐ, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn? Nhà nước cần thể hiện vai trò kết nối các đội chiếu phim với các nguồn lực đầu tư khác từ xã hội cho hoạt động CPLĐ ra sao? Đó đang là những thách thức đặt ra cho chính các cơ quan chức năng nhằm tìm ra hướng đi phù hợp cho hoạt động CPLĐ trong thời gian tới.

NGUYỄN LỘC