“Gỡ khó” trong sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 08:10, 18/07/2025

Chậm đổi mới, sắp xếp mô hình hoạt động, quản lý đất đai yếu kém
Thời gian qua, việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và xử lý dứt điểm những vướng mắc được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014, Kết luận số 82 ngày 29/7/2020 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, những chủ trương trong Nghị quyết đã cơ bản được thể chế hoá thành các quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan. Sau sắp xếp, đổi mới, nhiều công ty đã có chuyển biến tích cực về phương thức quản trị, hoạt động hiệu quả hơn, tạo việc làm, đời sống người lao động được cải thiện, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, giảm dần tranh chấp, lấn chiếm, khiếu kiện về đất đai và các vấn đề xã hội phát sinh; đã hình thành một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Còn 37% trong tổng số 256 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới, nhất là việc giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường còn yếu kém, lỏng lẻo…
Đề cập đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - nay là tỉnh Lào Cai) chỉ ra, nhiều điểm nghẽn tác động tiêu cực tới kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển của các công ty nông, lâm nghiệp chưa được xử lý triệt để; đặc biệt là vấn đề liên quan đến công nợ, chế độ chính sách cho người lao động, xử lý tài sản.
Đáng nói, nhiều diện tích đất đã giao cho các lâm, nông trường, các công ty lâm, nông nghiệp quản lý bị chồng lấn với diện tích đất đã và đang được người dân sử dụng ổn định. Nhiều diện tích đất do quản lý yếu kém bị người dân xâm lấn, lấn chiếm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. “Việc xử lý chưa triệt để, kéo dài qua nhiều năm, quy trình, thủ tục còn rườm rà, thiếu quyết liệt dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn lực, khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện” - đại biểu Luận cho biết.
Hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp có vốn, tài sản nhỏ bé và còn nhiều khó khăn về tài chính. Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, cần tiếp tục sắp xếp lại.
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận
Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo thẩm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng chỉ ra, tình trạng lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất nông, lâm trường để hoang hóa, tranh chấp sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn diễn ra ở nhiều nơi. Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh xử lý vấn đề này nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.
Phấn đấu trong năm 2025, hoàn thành sắp xếp, chuyển sang mô hình hoạt động mới
Trước những bất cập, hạn chế trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - đề nghị Chính phủ khẩn trương phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty lâm, nông nghiệp của các địa phương theo Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương rà soát lại hệ thống các quy định, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh cho các địa phương, rõ người, rõ việc.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế đặc thù trong việc xử lý tài sản, nguồn vốn, đất đai, chế độ chính sách đối với người lao động, để công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lâm, nông trường, các công ty lâm nông nghiệp đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 là 8% trở lên và 2 con số trong các giai đoạn tiếp theo, phải khơi thông được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về tài nguyên, đất đai, khoáng sản.
Do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quy định thu hồi và chưa có phương án sử dụng để tránh lãng phí.
Trước đó, tại Kết luận số 103-KL/TW ngày 02/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới đối với các công ty còn lại, bảo đảm sau sắp xếp, đổi mới, các công ty hoạt động hiệu quả cao hơn, người lao động có thu nhập tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Phấn đấu trong năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp, chuyển sang mô hình hoạt động mới đối với các công ty nông, lâm nghiệp, kể cả các công ty đã được sắp xếp, đổi mới nhưng vẫn hoạt động kém hiệu quả, theo các định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các công ty nông, lâm nghiệp”- Kết luận nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh tiếp cận, đa dạng hoá nguồn lực và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị; giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tài sản và các khoản nợ đọng; phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản cộng để hoàn thành sớm việc sắp xếp, đổi mới và thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp; có cơ chế hiệu quả, khả thi để xử lý đất và tài sản gắn liền với đất từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương; ban hành chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), chính sách thuế, tín dụng ưu đãi cho công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa...
Trên cơ sở Kết luận 103, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền về quy định NSNN hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể, mất khả năng thanh toán.
Cập nhật tình hình triển khai vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về cơ chế xử lý, hỗ trợ cho công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện giải thể nhưng mất khả năng thanh toán và bổ sung điều lệ đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
Tại Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 01/8/2025) đã quy định: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, khi thực hiện giải thể sẽ được hỗ trợ từ NSNN để đảm bảo kinh phí giải quyết các tồn tại do mất khả năng thanh toán hoặc là không có chi phí giải thể; giao Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý tài sản khi thực hiện giải thể các doanh nghiệp này.
“Với quy định này, những khó khăn vừa qua của các công ty nông, lâm nghiệp sẽ được tháo gỡ. Bộ Tài chính đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để cụ thể hóa ngay nội dung này khi ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.