Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 15:20, 18/07/2025

Ô nhiễm môi trường vùng nông thôn gia tăng
Dù được đánh giá là vùng xanh, song môi trường khu vực nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày càng đối diện với những thách thức do tình trạng ô nhiễm gây ra.
Dẫn chứng từ lĩnh vực trồng trọt, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành trồng trọt đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường như việc lạm dụng quá mức phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã làm suy giảm nghiêm trọng độ phì nhiêu của đất, gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ở nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng...
Theo số liệu thống kê của Bộ NNMT, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động trồng trọt ở nước ta khoảng 660 nghìn tấn, trong đó có 550 nghìn tấn rác thải ni-lông; 77,5 nghìn tấn rác thải bao bì, phân bón và 33,9 nghìn tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 6,93 triệu tấn và 77 nghìn tấn chất thải nhựa của bao thức ăn; hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh 880 nghìn tấn chất thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì và chất thải khác.
Đặc biệt, tình trạng đốt rơm rạ tự phát sau thu hoạch làm phát sinh các khí CO, NO, bụi mịn… gây tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và an toàn của người tham gia giao thông. Riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 24 triệu tấn, tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ được thu gom sử dụng, 70% còn lại được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất.
“Trong khi các hoạt động sản xuất công nghiệp rất chú trọng đến các tiêu chuẩn về môi trường, thì trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hoạt động xả thải, gây ô nhiễm vẫn diễn ra phổ biến và người dân chưa thực sự có ý thức về vấn đề này” - chuyên gia Nguyễn Văn Hùng (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế) cho biết.
Tình trạng này kéo dài được cảnh báo đang và sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực thủy sản, lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NNMT) cho biết, qua thực tiễn kiểm tra vừa qua tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cho thấy, chất lượng môi trường đất, nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do suy thoái và ô nhiễm. Chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như: Ni-tơ, phốt-pho… cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó, định hướng đến hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong đó, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay và vấn đề này đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, pháp luật chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp.
GS,TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh rằng, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là một lựa chọn chiến lược mang tính tất yếu, không thể đảo ngược, gắn với trách nhiệm quốc gia và cam kết quốc tế.
“Những thách thức hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ tư duy khai thác sang tiếp cận hài hòa với tự nhiên; từ chạy theo sản lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường” - bà Lan cho biết.
Từ góc độ quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, TS. Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ NNMT) cho biết, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, những năm qua, ngành chăn nuôi đã ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Công nghệ khí sinh học; sử dụng đệm lót sinh học; ủ phân compost; công nghệ vi sinh...
Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng kiến nghị hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiên, công nghệ sạch, trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi, khuyến khích phát triển rộng rãi các mô hình chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Dẫn chứng từ ngành lúa gạo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sản phẩm rơm rạ phần lớn được đốt tại chỗ rất lãng phí, trong khi nếu được áp dụng công nghệ vào thu gom và xử lý rơm rạ thì sẽ tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
“Để giải quyết vấn đề này, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hướng đến quản lý rơm rạ nhằm tăng giá trị, giảm phát thải. Trong đó đặt mục tiêu tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% tổng lượng rơm của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long” - ông Thanh thông tin.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050 và cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí metan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất” có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp.
Do đó, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động của sản xuất đến môi trường cũng là hành động nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường rất quan tâm thời gian qua. Theo đó, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cho nông dân và khuyến khích hợp tác công - tư. Một số mô hình thực tiễn như lúa - tôm, VAC, sản xuất hữu cơ - vi sinh, canh tác bảo tồn đất và hệ thống nuôi tuần hoàn RAS được chia sẻ như minh chứng cho hướng đi hiệu quả…; đồng thời nhấn mạnh sự vào phối hợp của các bên để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác này.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp, viện trường và nông dân, nông nghiệp Việt Nam mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Trọng Thủy cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường nông nghiệp, nông thôn ở những điểm nóng, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, các địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng; xây dựng, nhân rộng các giải pháp, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất…

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường diễn ra mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, khẳng định, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là yêu cầu phát triển bền vững mà còn là căn cứ để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đây cũng là chủ đề trọng tâm của đợt giám sát chuyên đề do Quốc hội thực hiện, nhằm đánh giá hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong thực tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Nội dung giám sát tập trung vào 3 nhóm chính: Xác định khó khăn, bất cập trong chính sách, pháp luật và thực thi bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; Đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thu thập thông tin thực tiễn để phục vụ xây dựng báo cáo giám sát, góp phần vào việc sửa đổi hoặc bổ sung nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới./.