Thúc doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 13:42, 19/07/2025

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.
Về thương mại điện tử và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các sàn thương mại điện tử, nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn trong nước và quốc tế triển khai các chương trình kết nối thương mại điện tử, liên kết vùng trong thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên môi trường trực tuyến, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất địa phương tiếp cận và mở rộng kênh bán hàng trực tuyến.
Phát động các chương trình thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt và sản phẩm địa phương thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác nhau, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu, hình ảnh địa phương cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ tại nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng về thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới cho đội ngũ cán bộ quản lý, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương…; hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ số trong thương mại điện tử, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số; qua đó từng bước nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và thích ứng linh hoạt với những mô hình kinh doanh mới trên thị trường quốc tế.
Về xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức tăng cường thực hiện đa dạng, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến phục vụ xuất nhập khẩu, trong đó triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...
Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, tùy phạm vi trách nhiệm của mình tăng cường các hoạt động xúc thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như phát triển thị trường trong nước.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử và chuyển đổi số tại các địa phương, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh.
Trong đó, để thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử và chuyển đổi số tại các địa phương, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Trung tâm đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Với mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận và nâng cao kỹ năng trong thương mại điện tử cho mọi đối tượng, Trung tâm sẽ tiếp tục cung cấp các khóa học trực tuyến, giúp mọi doanh nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn, có thể tham gia và phát triển.
Thời gian tới, Trung tâm eComDX sẽ tiếp tục triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu, tập trung vào 04 trụ cột: GoOnline để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiện diện số và phát triển kỹ năng bán hàng trực tuyến; GoExport nhằm giúp kết nối và vận hành hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; GoAI trang bị cho doanh nghiệp năng lực ứng dụng AI trong marketing, tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng.
Đặc biệt, GoAI cũng hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; và GoRight với mục tiêu cập nhật hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn hóa hoạt động, giúp xây dựng thương hiệu bền vững.
Những khóa đào tạo này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực mà còn thúc đẩy khả năng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại các địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế số của Việt Nam./.