Phát triển ngành xuất bản: Đòn bẩy từ chuyển đổi số

Xã hội - Ngày đăng : 19:43, 24/07/2025

(BKTO) - Trong bối cảnh công nghệ số có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực, ngành xuất bản đang đứng trước những cơ hội, thách thức to lớn buộc phải thay đổi để tồn tại, phát triển. Vậy đâu là hướng đi phù hợp cho lĩnh vực vốn quen thuộc với cách làm truyền thống, từ đó phát huy hiệu quả để trở thành ngành kinh tế mạnh?
nguyen-trong-nghia.jpg
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản. Ảnh ST

Công nghệ số làm thay đổi tư duy xuất bản

Trong bối cảnh ngành xuất bản đang đứng trước những chuyển dịch mạnh mẽ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), việc thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp ứng dụng công nghệ trong xuất bản; đẩy mạnh xuất bản số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ sách giấy đến sách điện tử, từ đọc truyền thống sang nghe - nhìn - tương tác, xuất bản đang chuyển dịch nhanh chóng để đáp ứng hành vi mới của độc giả toàn cầu. Thông qua hệ thống phát hành trực tuyến, các đơn vị xuất bản và phát hành có thể trực tiếp bán hàng cho tất cả khách hàng trên thế giới mà không phải mất thời gian gửi và chi phí vận chuyển ấn phẩm. 

“Những yêu cầu bức thiết từ thực tế trên đòi hỏi những người làm công tác xuất bản cần phải đổi mới tư duy về công nghệ số để đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của thời đại” - giảng viên Trần Thu Quỳnh (Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết.

_dsc5468.jpg
Cùng với phương thức xuất bản truyền thống, xuất bản số đang là xu hướng mới mang đến những thuận lợi, thách thức đan xen. Ảnh: N.Lộc

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh - Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Fonos khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy và cách con người tiếp cận tri thức. Quy trình thương mại xuất bản cũng vì thế có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang quy trình số, hướng đến người đọc nhiều hơn.

“Thị trường xuất bản phẩm trong mô hình thương mại số hóa dễ dàng nhận biết nhu cầu bạn đọc và phản hồi của bạn đọc đối với từng tác phẩm. Đây là một lợi thế lớn của công nghệ số khi áp dụng vào lĩnh vực xuất bản” - ông Vinh cho biết. Với mô hình này, các nhà xuất bản cũng sẽ giảm thiểu được rủi ro trong việc xuất bản những tác phẩm không có bạn đọc hoặc có những sai sót trong quá trình biên soạn, biên tập.

Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng nhanh, có thể thấy thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc"

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Nguyên nhìn nhận, hoạt động Phát hành xuất bản phẩm điện tử đã có những bước phát triển nhanh, nổi bật và mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, chuyển đổi số nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa trở thành động lực phát triển. Thị trường sách điện tử - thị trường giàu tiềm năng vẫn ở giai đoạn “khởi động” và còn nhiều thách thức đặt ra. 

Tận dụng lợi thế, loại bỏ thách thức... 

Khẳng định những ưu thế vượt trội của xuất bản số, song ông Lê Quốc Vinh cũng nhấn mạnh: Làm thế nào để giữ được cảm xúc, khi tiếp cận các ấn phẩm số so với sách truyền thống là vấn đề cần được đặt ra.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng lưu ý tình trạng vi phạm bản quyền trong xuất bản số sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với truyền thống. “Vấn nạn vi phạm bản quyền rất nhức nhối, đòi hỏi cần sự chung tay của cơ quan chức năng, các hiệp hội và nhà xuất bản và chính công chúng” - ông Vinh cho biết.

Song hành với sự phát triển của xuất bản số, vấn đề bản quyền cũng đang trở nên phức tạp hơn, khi hành vi sao chép, chia sẻ và phân phối trái phép nội dung số diễn ra phổ biến, nhanh chóng và gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất bản và tác giả.

Xuất bản số hiện được xem là “mỏ vàng” toàn cầu với doanh số ước tính đạt 120 tỷ USD, mở ra dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp nội dung. Tại Việt Nam, doanh thu ngành in năm 2024 đạt 99.200 tỷ đồng; lĩnh vực Phát hành xuất bản phẩm đạt khoảng 4.800 tỷ đồng.

Cục Xuất bản, In và Phát hành

sach-2.jpg
Tăng cường kiểm soát, ngăn tình trạng hàng giả, hàng lậu trong lĩnh xuất bản. Ảnh ST

Tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ số để đưa ngành xuất bản chuyển mình, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books nhấn mạnh vai trò của các định dạng mới như flashcards, sách song ngữ, video microlearning trong hành trình lan tỏa tri thức, tạo hệ sinh thái nội dung từ sản phẩm đơn lẻ.

Khẳng định sự hợp tác giữa nhà xuất bản và nền tảng công nghệ chính là chìa khóa để thực hiện hiệu quả xuất bản số, các ý kiến cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò kiến tạo, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong tạo lập môi trường cho xuất bản số.

“Trên cơ sở nhận diện rõ thực trạng và nguyên nhân dẫn đến bất cập, cơ quan quản lý ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất có chế tài xử lý vi phạm hiệu quả hơn; gắn với việc xử lý quyết liệt, triệt để hơn trong thời gian tới” - ông Nguyên cho biết.

Từ góc độ quản lý nhà nước, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in, phát hành; quy định về chuẩn hóa dữ liệu, chia sẻ thông tin, bảo mật trên môi trường số. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thực hiện chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để góp phần đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại, trước hết là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn và động lực phát triển.

Đây cũng là những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản quan tâm. Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xuất bản cũng cần ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản./.

N.LỘC