Đưa hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân đi đúng hướng

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 02/04/2019

(BKTO) - Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND); xử lý dứt điểm các QTDND yếu kém; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý kịp thời các rủi ro, vi phạm… là những giải pháp trọng tâm để ngành ngân hàng tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND, nhằm đảm bảo cho QTDND hoạt động lành mạnh, đúng tôn chỉ, mục đích.


Chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển hệ thống QTDND, đến nay, nhìn chung hệ thống QTDND hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, thực hiện huy động vốn trên địa bàn để cho các thành viên vay nhằm mục đích tương trợ, tăng cường tính gắn kết cộng đồng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của các thành viên.

Tính đến ngày 30/11/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với số thành viên tham gia là hơn 1,5 triệu thành viên. Tổng nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý: tổng nguồn vốn QTDND đạt 112.546,4 tỷ đồng (30/11/2018), tăng 9,7% so với thời điểm 31/12/2017; tổng dư nợ cấp tín dụng là 89.055,8 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2017.

Tuy nhiên, NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND. Trong đó, một bộ phận QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ giữa các thành viên, chạy theo mục tiêu lợi nhuận; không tuân thủ các quy định pháp luật, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… Công tác quản lý, thanh tra, giám sát của một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các QTDND còn hạn chế, thiếu quyết liệt. Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm tại một số QTDND như: lập khống hồ sơ vay; cho vay không đúng đối tượng…

Trước thực trạng trên, trong năm 2018 và đầu năm 2019, NHNN đã tổ chức 3 hội nghị quán triệt về QTDND. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cho các QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, hoạt động đúng mục tiêu, đúng tính chất của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, cần tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND hiện nay nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả trước khi tăng cường mở rộng phát triển hệ thống QTDND. Việc tổ chức hoạt động, thành lập mới, mở rộng phát triển QTDND phải đảm bảo được bản chất của mô hình kinh tế tập thể với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên. Đồng thời, tiếp tục sắp xếp lại các QTDND, đảm bảo phù hợp với yêu cầu cần thiết khách quan; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro; xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống QTDND.

Xử lý dứt điểm các Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém

Cùng với những giải pháp của NHNN, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Chỉ thị nêu rõ: Một số QTDND thời gian qua hoạt động yếu kém, có biểu hiện xa rời tôn chỉ và mục đích hoạt động, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn hoạt động của QTDND. Hành lang pháp lý cho hoạt động của QTDND còn thiếu và chưa đồng bộ. Ở một số nơi, chính quyền địa phương các cấp còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, xử lý kịp thời sai phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”; nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành QTDND; phát huy vai trò, trách nhiệm kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các QTDND yếu kém nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó, NHNN tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu kém bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc bằng một số biện pháp khác theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền về cơ chế xử lý đặc thù trong việc xử lý các QTDND yếu kém; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, trong đó phát huy vai trò liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tham gia xử lý QTDND yếu kém. Cùng với đó, NHNN cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động của QTDND, cơ chế xử lý đối với QTDND yếu kém; rà soát, đánh giá, phân loại các QTDND để có các biện pháp xử lý phù hợp đối với các QTDND yếu kém theo Đề án Củng cố và phát triển QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Việc ban hành Chỉ thị chấn chỉnh hoạt động của QTDND từ Thủ tướng Chính phủ, NHNN với các giải pháp đồng bộ được kỳ vọng sẽ đưa mô hình tổ chức này hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019