Ngân sách nhà nước vẫn còn áp lực hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:30, 02/04/2019
(BKTO) - ThS. VŨ THỊ HẢI YẾN - Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính
Từng bước giảm cấp ngân sách nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh
Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, NSNN đã từng bước giảm cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh thông qua việc giảm cấp chi thường xuyên đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị; dành nguồn hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách thông qua việc hỗ trợ mua Thẻ BHYT; tăng chi cho y tế dự phòng, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách khác của ngành y tế.
ThS. Vũ Thị Hải Yến |
Đối với ngân sách địa phương, theo báo cáo của 36/63 tỉnh, năm 2017 đã giảm chi thường xuyên cấp cho các đơn vị này 1.433 tỷ đồng, năm 2018 đã giảm 2.905 tỷ đồng.
Bên cạnh việc giảm cấp chi thường xuyên đối với các đơn vị khám, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần, NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở số lượng đối tượng và mức chi cho các loại đối tượng đơn vị cung cấp dịch vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2019, các Bộ, cơ quan T.Ư sẽ giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), ưu tiên dành nguồn cải cách tiền lương. Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ việc giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các ĐVSNCL được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.
Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng qua các năm, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ (có nguồn thu dưới 10% chi hoạt động thường xuyên) ngày càng giảm. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, năm 2016 có khoảng 70 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, năm 2017 có khoảng 100 đơn vị và năm 2018 có 164 đơn vị.
Nhưng áp lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vẫn còn cao
Thời gian tới, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập vẫn còn không ít khó khăn. Đó là:
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh có Thẻ BHYT và không có Thẻ BHYT mới đi được 1/3 lộ trình đề ra. Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở theo lộ trình, NSNN vẫn phải cấp bổ sung phần chênh lệch kinh phí chi tiền lương đối với các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và cơ sở khám, chữa bệnh do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên (nhóm 4) đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không đảm bảo nguồn chi trả tiền lương.
Định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa phù hợp với khả năng đáp ứng của nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới, với khả năng chi trả của Quỹ BHYT và người dân. Việc thanh toán chưa gắn với định mức kinh tế - kỹ thuật và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Đối với giá dịch vụ y tế dự phòng: Mức giá quy định tại Thông tư số 240/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập và Thông tư số 51/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá cụ thể dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng NSNN được phiên ngang bằng mức phí kiểm dịch y tế, y tế dự phòng, chưa rõ mức độ đảm bảo các yếu tố chi phí, nên chưa có cơ sở tính giảm được NSNN cấp chi thường xuyên đối với các đơn vị y tế dự phòng.
Về việc đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù, từ năm 2017, theo Thông tư số 67/2017/TT-BTC và Thông tư số 68/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã kết cấu chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, phụ cấp thì được trừ các chi phí này khi tính nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ nguồn thu để lại của đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở khám, chữa bệnh không phải sử dụng nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh để thực hiện cải cách tiền lương, chỉ phải trích nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ 40% số chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu dịch vụ y tế khác. Do đó, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở theo lộ trình, NSNN sẽ phải cấp phần kinh phí chi tiền lương tăng thêm do điều chỉnh mức lương cho các cơ sở khám, chữa bệnh (nhóm 3 và nhóm 4) tăng lên so với trước đây, gây áp lực cho cân đối NSNN.
Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, Thông tư số 02/2017/TT-BYT và Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định không tính vào giá dịch vụ các khoản chi theo chế độ do NSNN bảo đảm đối với một số khoản phụ cấp đặc thù áp dụng cho một số đối tượng theo vùng, miền, đơn vị, ngành đặc thù. Vì vậy, hằng năm, NSNN vẫn phải bố trí kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp này cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, mặc dù giá dịch vụ khám chữa bệnh ở cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã tính đủ tiền lương nhưng nguồn thu vẫn không đảm bảo đủ chi và NSNN vẫn phải cấp bù do số lượt người bệnh đến khám, chữa bệnh ít, chưa tương xứng với quy mô trang thiết bị, nhân lực cũng như chi phí hoạt động.
MINH ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019