5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới - Kỳ II: Kiến nghị một số giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:00, 20/10/2016
(BKTO) - Để khắc phục các hạn chế, bất cập bộc lộ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) 5 năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình NTM các tỉnh, thành phố, cũng như các Bộ, ngành Trung ương cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Do quỹ đất hạn chế, diện tích nhà văn hóa thôn khó có thể đáp ứng quy định Ảnh: TS
Nhiều tiêu chí về chuẩn NTM chưa chuẩn
Qua 5 năm thực hiện Chương trình cho thấy, nhiều tiêu chí về chuẩn NTM đã được xây dựng chưa sát với thực tế, còn bất cập. Trong đó, Tiêu chí số 2 về giao thông được xác định 50% chiều dài đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đối với tỉnh miền núi phía Bắc là không phù hợp. Do địa hình phức tạp, chia cắt, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc sống phân tán, có những bản cách trung tâm xã hơn chục km nên để cứng hóa đường trục thôn, xóm sẽ mất rất nhiều chi phí và hiệu quả sử dụng thấp so với chi phí phải đầu tư.
Tiêu chí số 5 về trường học xác định 70% trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là không phù hợp, khó thực hiện, do đồng bào các dân tộc sống phân tán nên có rất nhiều điểm trường mầm non, tiểu học ở các điểm bản, nên khó đạt chuẩn quốc gia.
Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa quy định 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là không phù hợp, bởi số hộ dân của mỗi thôn, bản không lớn, do địa bàn miền núi, quỹ đất hạn chế nên khó đảm bảo quy mô về diện tích nhà văn hóa, sân thể thao. Mặt khác, qua kiểm toán cho thấy công năng sử dụng các nhà văn hóa thấp.
Tiêu chí số 7 về chợ xác định mỗi xã có một chợ là không cần thiết. Bên cạnh đó, quy định về quy mô chợ chưa thật sự phù hợp với nhu cầu sử dụng và do điều kiện địa bàn miền núi, quỹ đất hạn chế nên khó đảm bảo quy mô về diện tích.
Tiêu chí số 8 về bưu điện xác định mỗi xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn. Tuy nhiên, qua phỏng vấn cho thấy tiêu chí về bưu điện phát huy hiệu quả không cao, do công nghệ phát triển nên rất ít người gửi thư, gọi điện qua bưu điện xã và đọc báo tại bưu điện xã. Ngoài ra, chi phí kéo dây đến từng hộ tốn kém hơn và không hiệu quả bằng việc sử dụng công nghệ 3G.
Tiêu chí số 10 quy định thu nhập bình quân người/năm của những người thuộc đối tượng của Chương trình bằng 1,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh cũng không hợp lý, quá cao so với thực tế. Trong khi hơn 90% lao động nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phần đông là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là các xã 135, các xã thuộc các huyện 30a cũng xác định như các xã khác là không phù hợp.
Tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, việc thành lập một hợp tác xã hoặc tổ hợp tác khó thực hiện với đặc thù khu vực miền núi, nhân dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo tập quán. Mặt khác, Quyết định số 800/QĐ-TTg đưa ra nội dung về phát triển nghề truyền thống theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm” không mang tính thực tiễn. Vì hiện nay cả nước có 8.912 xã thuộc Chương trình, nếu mỗi xã có một làng nghề thì sản phẩm sẽ tiêu thụ như thế nào, Chương trình vẫn chưa đề cập cụ thể.
Tiêu chí số 17 về môi trường có chỉ tiêu nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch và chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định trong tiêu chí là khó thực hiện. Để thay đổi phong tục, tập quán của một số địa phương cần phải có thời gian. Mặt khác, chi phí xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi rất cao.
Những giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập
Để khắc phục các hạn chế, bất cập bộc lộ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM 5 năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình NTM các tỉnh, thành phố cần quan tâm thực hiện một số vấn đề đã được KTNN kết luận và kiến nghị.
Trước hết, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình và quy định tỷ lệ, mức hỗ trợ từ NSNN về vốn đầu tư để thực hiện các nội dung xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh sớm thành lập, kiện toàn lại văn phòng điều phối cấp tỉnh và cấp huyện, xây dựng mức hỗ trợ cho Ban chỉ đạo và các cán bộ từ chuyên trách đến kiêm nhiệm; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình đảm bảo tính chính xác để có căn cứ đánh giá, dự báo, lập kế hoạch xây dựng NTM sát hơn cho giai đoạn 2016-2020. Tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch chi tiết, đề án xây dựng NTM các xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện cắm mốc thực địa theo quy định.
Đối với công tác thẩm tra, đánh giá, công nhận các tiêu chí của Chương trình cần được chấn chỉnh để thực hiện theo đúng quy định, tránh tình trạng công nhận đạt chuẩn NTM nhưng một số tiêu chí chưa đạt. Việc xử lý về môi trường, cần tập trung ưu tiên và có giải pháp để duy trì các tiêu chí sau khi đạt chuẩn NTM.
Đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cần phải rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các dự án đầu tư, nhất là các dự án do UBND các xã là chủ đầu tư. Tập trung chỉ đạo các sở, ngành và các huyện thực hiện kiểm tra, rà soát xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/01/2016, xác định nguyên nhân và chủ động bố trí nguồn vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng NTM; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ để hạn chế thấp nhất nợ xây dựng cơ bản của Chương trình.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần chấn chỉnh, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan đến sai sót trong công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo triển khai Chương trình và sử dụng vốn của Chương trình theo kết luận của KTNN tại các Báo cáo kiểm toán đối với các địa phương.
Song song với đó, các Bộ, ngành Trung ương cũng cần tập trung khắc phục một số mặt còn hạn chế, làm giảm tính hiệu quả của Chương trình thời gian qua. Đó là, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí huyện NTM và ban hành tiêu chí tỉnh NTM, tham mưu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí NTM, ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020 và chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí cho phù hợp với thực tế và các văn bản hiện hành; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về xác định mục tiêu của Chương trình đối với từng vùng, miền để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020; ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thống nhất về nội dung, chế độ, biểu mẫu báo cáo và thời gian báo cáo định kỳ quý, năm; ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí của Chương trình tại văn phòng điều phối NTM các cấp.
Ngoài ra, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, thống nhất về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, xác định biên chế phù hợp với từng vùng, miền, địa phương; hướng dẫn quy định về chế độ phụ cấp, đãi ngộ cho Ban chỉ đạo các cấp và cán bộ, công chức; hướng dẫn việc lập, phê duyệt đề án và quy hoạch xây dựng NTM cấp tỉnh và cấp huyện; thực hiện rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn tiêu chí phù hợp với thực tế của địa phương (tiêu chí mở), tránh tình trạng lãng phí, xây dựng và bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận đối với xã, huyện và tỉnh đạt chuẩn NTM; chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí nguồn vốn xử lý dứt điểm nợ đọng trong đầu tư xây dựng thực hiện Chương trình NTM.
TS. MAI VINH - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II
19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 19 tiêu chí.
Trong đó, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí, nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí, nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí, nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí. Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng. Về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020, chỉ tiêu chung là từ 45 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ là từ 36 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng là từ 50 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 41 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 59 triệu đồng/người trở lên; Đồng bằng sông Cửu Long là từ 50 triệu đồng/người trở lên.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu chung là từ 6% trở xuống. Chỉ tiêu theo vùng đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc là từ 12% trở xuống; vùng Đồng bằng sông Hồng từ 2% trở xuống; vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ từ 5% trở xuống; Tây Nguyên từ 7% trở xuống; vùng Đông Nam Bộ từ 1% trở xuống và Đồng bằng sông Cửu Long từ 4% trở xuống. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí… Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/12/2016, thay thế cho Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 19 tiêu chí.
Trong đó, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí, nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí, nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí, nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí. Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng. Về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020, chỉ tiêu chung là từ 45 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ là từ 36 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng là từ 50 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 41 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 59 triệu đồng/người trở lên; Đồng bằng sông Cửu Long là từ 50 triệu đồng/người trở lên.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu chung là từ 6% trở xuống. Chỉ tiêu theo vùng đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc là từ 12% trở xuống; vùng Đồng bằng sông Hồng từ 2% trở xuống; vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ từ 5% trở xuống; Tây Nguyên từ 7% trở xuống; vùng Đông Nam Bộ từ 1% trở xuống và Đồng bằng sông Cửu Long từ 4% trở xuống. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí… Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/12/2016, thay thế cho Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
H.THOAN